Ngăn chặn tín dụng đen ở Kon Tum
Chặn “vòi bạch tuộc”
Thời gian gần đây, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tình trạng tín dụng đen ở Kon Tum đang có những diễn biến phức tạp. Các thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, xử lý đã để lại những bức xúc trong nhân dân...
Hoạt động cho vay tín dụng đen chủ yếu thông qua hình thức dán tờ rơi |
Thủ đoạn chung của các đối tượng cho vay theo kiểu tín dụng đen ở Kon Tum vẫn chủ yếu thông qua hình thức dán tờ rơi. Hoặc tinh vi hơn, núp bóng dưới vỏ bọc cho thuê, cầm cố tài sản, ô tô xe máy... Các đối tượng luôn sẵn sàng liều lĩnh manh động thúc ép người vay. Thậm chí, có những người chưa vay tiền nhưng nếu dính líu đến các đối tượng này cũng dễ trở thành... con nợ. Theo đó, khi người dân gọi điện thoại với ý định vay tiền, dù không đạt được thoả thuận, các đối tượng vẫn yêu cầu phải trả 500 nghìn đồng, gọi là... tiền công tư vấn. Nếu không thanh toán số tiền trên, ngay lập tức cũng phải chịu mức lãi suất cắt cổ, lãi mẹ đẻ lãi con. Khi nạn nhân không trả, các đối tượng sẵn sàng dùng mọi biện pháp, thậm chí đe dọa đến tính mạng...
Trước thực trạng này, trong Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Kon Tum khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021, vấn đề liên quan đến tín dụng đen đã được các đại biểu rất quan tâm.
Theo cơ quan chức năng, đa số các nhóm đối tượng cho vay theo kiểu tín dụng đen tại Kon Tum hiện nay là từ nhiều tỉnh, thành ở khu vực phía Bắc di chuyển vào, chủ yếu từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình... Bên cạnh đó, một số đối tượng tại địa phương đã núp bóng doanh nghiệp dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ để tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng nhằm tổ chức các hoạt động cho vay theo kiểu tín dụng đen. Được biết, trên địa bàn Kon Tum hiện có 9 đại lý công ty đăng ký kinh doanh “hoạt động cấp tín dụng khác” hay “hoạt động trung gian tiền tệ khác”. Trong đó, chủ yếu tập trung tại TP. Kon Tum và huyện Ngọc Hồi.
Đấu tranh ngăn chặn vấn nạn này, lực lượng chức năng trên địa bàn, đặc biệt là công an đã tăng cường theo dõi, quản lý các đối tượng có biểu hiện nghi vấn. Đồng thời, tích cực điều tra, xử lý nghiêm đối với các hoạt động tín dụng trái quy định của pháp luật. Nhiều vụ việc liên quan đến tín dụng đen đã bị phát hiện, xử lý. Đơn cử, như vụ việc cơ quan công an bắt giữ đối tượng Trần Văn H. trú Ninh Bình, do có biểu hiện nghi vấn cho vay nặng lãi. Khi bắt giữ đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ 468 tờ quảng cáo cho vay không thế chấp. Tương tự, công an TP. Kon Tum phát hiện Đỗ Đức Lợi, trú Quảng Ninh và Đỗ Đức Anh, trú Hải Phòng đi xe mô tô rải tờ rơi quảng cáo cho vay nặng lãi, với hơn 600 tờ rơi quảng cáo cho vay. Trước đó, công an địa phương đã phát hiện dịch vụ cầm đồ T.S trên đường Trường Chinh, TP. Kon Tum có dấu hiệu vi phạm, nên đã ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối với chủ cơ sở, thu 31,4 triệu đồng cùng nhiều tang vật, tài liệu liên quan đến tín dụng đen...
Mở rộng tín dụng
Cũng như các địa phương khác ở Tây Nguyên, nạn nhân của vấn nạn tín dụng đen ở Tây Nguyên đa phần là lao động phổ thông, những người buôn bán nhỏ lẻ, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Khi giao dịch vay tiền của các đối tượng cũng chủ yếu thông qua hình thức viết giấy tay, không có cơ sở pháp lý. Trong khi, các đối tượng cho vay lại chủ yếu đến từ các địa phương khác, nên công tác đấu tranh ngăn chặn vấn nạn này gặp không ít khó khăn.
Nhằm chung tay ngăn chặn vấn nạn tín dụng đen, ngành Ngân hàng trên địa bàn Kon Tum cũng đã có nhiều nỗ lực. Theo đại diện NHNN chi nhánh Kon Tum, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh phục vụ đời sống của người dân lẫn doanh nghiệp, đặc biệt ở những khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, những nơi dễ bị ảnh hưởng của vấn nạn tín dụng đen.
Các NHTM trên địa bàn đã tích cực đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, cải cách thủ tục hành chính. Dư nợ cho vay của các chương trình, chính sách tín dụng cơ bản tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Đặc biệt, các TCTD trên địa bàn đã chú trọng việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đặc biệt ở những khu vực còn gặp khó khăn.
Bên cạnh, chương trình ngân hàng lưu động của Agribank đang hoạt động khá tốt, thời gian gần đây một số NHTMCP như: Vietcombank, HDBank, ACB, Liên Việt... đã mở thêm các phòng giao dịch ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Tính đến nay, trên địa bàn Kon Tum đã có 16 chi nhánh TCTD, với 50 chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc. Bên cạnh mạng lưới các công ty tài chính cũng không ngừng được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, lẫn doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với vốn vay.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo Agribank triển khai hiệu quả chương trình tín dụng tiêu dùng. Cho vay các món tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, với thủ tục xét duyệt ngắn gọn, giải ngân trong ngày. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng nâng mức vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay, không phải bảo đảm tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hay cho vay phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi... Đặc biệt, các TCTD trên địa bàn cũng sẽ thiết lập đường dây “nóng”, nhằm nắm bắt xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị cũng như tư vấn các chế độ, chính sách về tín dụng cho người dân lẫn doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Cùng với đó, theo ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, để khắc phục, xử lý có hiệu quả vấn nạn tín dụng đen, các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị cần phát huy tinh thần trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các chính sách tín dụng ngân hàng. Đặc biệt là chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng để người dân chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng lành mạnh. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi chưa đúng quy định, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn...