Ngân sách và chuyện “siết – nới”
Ảnh minh họa |
Ngân sách Trung ương (NSTW) đã bổ sung cho ngân sách địa phương (NSĐP) với tỷ lệ trung bình ngày càng tăng lên qua các năm. Tỷ lệ bổ sung từ NSTW chỉ chiếm 29% năm 1997 đã lên 50% tổng số chi NSĐP năm 2002 và cho đến nay, tỷ lệ này vẫn ở mức cao.
Song theo PGS-TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán kiểm toán Việt Nam, hiệu quả sử dụng ngân sách tại địa phương dường như lại tỷ lệ nghịch. Dưới góc nhìn của ngành kiểm toán, ông chỉ ra bất cập này là do quá trình đổi mới phân cấp quản lý tài chính – ngân sách, xét về tổng thể vẫn còn nhiều hạn chế, bất hợp lý.
Hiện có 3 cơ quan là Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng quyết định NSĐP, trong đó vai trò của HĐND còn thiếu chủ động, chỉ quyết định lại vấn đề mà cấp trên đã quyết định và giao nhiệm vụ. Thẩm quyền quyết định ngân sách như vậy, theo ông Thanh là còn chồng chéo, chưa tạo điều kiện cho địa phương thực sự làm chủ ngân sách của mình.
Việc ban hành các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do các cơ quan có thẩm quyền thuộc cấp Trung ương ban hành, song thực tế là các quy định này lại không đầy đủ về nội dung, xa rời thực tế, tính khả thi không cao, địa phương khó thực hiện.
“Vậy nên mới có thực trạng là một số địa phương đã phải “xé rào” để quy định một số chế độ riêng ngoài chế độ của Trung ương, điều này là phạm luật song lại cần thiết”, ông Thanh bình luận. Chẳng hạn đó là các chế độ tập trung trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và cán bộ xã, chủ yếu để thu hút cán bộ về công tác ở vùng khó khăn, thu hút và giữ chân người tài…
Điều này đáp ứng đòi hỏi của địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, song thực chất về pháp lý lại không đúng thẩm quyền, gây ra tình trạng không thống nhất giữa các địa phương trong cả nước, gây phức tạp trong quản lý, làm ảnh hưởng đến công bằng xã hội.
Bên cạnh đó, việc phân cấp về nguồn thu và nhiệm vụ chi còn nhiều hạn chế. Phần lớn các địa phương có nguồn thu nhỏ và thấp hơn so với nhiệm vụ chi, nên chưa phát huy được sự chủ động, sáng tạo. Ông Thanh phân tích, hiện nay các nguồn thu lớn đều tập trung về NSTW, trong khi địa phương chỉ được giữ lại các nguồn thu nhỏ.
Hiện có khoảng 10 khoản thu được phân chia, bao gồm một số khoản quan trọng như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường… Vấn đề là các khoản thu này do địa phương phụ trách, song chỉ được giữ lại một phần, chủ yếu phải trả lại Trung ương. Do đó, xảy ra thực tế là địa phương nhiều khi không quan tâm đầy đủ tới một số nguồn thu quan trọng như thu thuế tiêu thụ đặc biệt từ mặt hàng thuốc lá, rượu, bia… do phân cấp thu chưa rõ ràng, địa phương thấy chưa được lợi nhiều từ việc giám sát các nguồn này, gây thất thoát.
Trong khi cơ chế phân bổ ngân sách cho nhiều địa phương bị trói chặt như vậy, thì ngược lại, tình trạng bao cấp ngân sách cũng rất phổ biến. Ông Thanh lo ngại, “cơ chế xin cho giữa các địa phương vẫn tiếp tục diễn ra, có điều bây giờ nó tinh vi hơn, quyết liệt hơn”.
Hiện nay, các tiêu chí quyết định tỷ lệ phân chia nguồn thu và bổ sung ngân sách chưa rõ ràng, minh bạch, còn phụ thuộc ý chí chủ quan của Trung ương.
Ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng lo ngại, tính bao cấp của Trung ương với địa phương vẫn lớn. Chẳng hạn NSĐP đã quy định có khoản dự phòng thiên tai địch họa, các sự cố diễn biến bất ngờ… Nhưng khi sự việc xảy ra thì địa phương không đả động gì đến dự phòng của mình, mà cứ đề xuất lên Trung ương hỗ trợ. Nhiều địa phương đòi hỗ trợ lớn đến mức NSTW rót xuống địa phương còn nhiều hơn phần địa phương phải nộp lại về Trung ương.
“Luật Ngân sách 2015 đã xử lý được một phần vấn đề này là quy định chỉ hỗ trợ các dự án đặc biệt quan trọng, khống chế mức hỗ trợ không quá 30% đầu tư xây dựng cơ bản của địa phương, nhưng dù sao vẫn mang tính bao cấp”, ông Việt nêu quan điểm.
Trước tình trạng phân cấp bất hợp lý, thiếu căn cứ vào đặc thù của từng địa phương, các chuyên gia lo ngại những động thái “cởi trói” gần đây của Luật Ngân sách 2015 sẽ gây ra những mặt trái khó lường trước. Chẳng hạn Luật có độ mở khá rộng về phân cấp, cho phép NSĐP cũng được bội chi.
Song cần lưu ý rằng nợ đọng xây dựng cơ bản còn đang chất đống với con số thực tế có thể còn cách xa so với con số mà địa phương đã báo cáo, nhiều địa phương đang phải trả giá cho thời kỳ phát triển nóng, đầu tư dàn trải, lãng phí. Do đó cần có cơ chế để kiểm soát bội chi, giới hạn ở tỷ lệ nhất định, nếu không tình trạng “vung tay quá trán” sẽ tiếp tục tràn lan ở nhiều địa phương.