Ngành dệt may Việt Nam: Nỗ lực vượt khó
Ưu thế nhân công rẻ đã lỗi thời | |
Dệt may ứng phó ra sao khi TPP không có Mỹ? |
Khó khăn vẫn còn đó
Năm 2016 được nhiều chuyên gia nhận định là năm hết sức khó khăn đối với ngành dệt may Việt Nam do tình hình kinh tế toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam tăng trưởng chậm hơn các năm trước, chỉ đạt khoảng 28,3 tỷ USD, tăng trưởng xấp xỉ 5% (gần 1,5 tỷ USD) so với năm 2015.
Năm 2017 vẫn còn nhiều thách thức với ngành dệt may Việt Nam |
Trong năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá thực tế) ước đạt 37.757 tỷ đồng, bằng 103% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu (tính đủ) đạt 2.477 tỷ đồng, bằng 104% so cùng kỳ; tổng doanh thu (không VAT) đạt 40.563 tỷ đồng, bằng 103% so cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế (không tính đơn vị phụ thuộc) đạt 1.430 tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ; thu nhập bình quân người lao động đạt 6,69 triệu đồng/người/tháng, tăng 8% so cùng kỳ.
Các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may Việt Nam gồm Hoa Kỳ với kim ngạch cao nhất đạt gần 10 tỷ USD, tăng 4,37%; châu Âu đạt gần 3 tỷ USD, tăng 2,46%; Nhật Bản đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 4,61% và Hàn Quốc đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 5,34% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, các thị trường khác đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 6,6%.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, bước sang năm 2017 ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn do tác động của sự cạnh tranh đến từ các quốc gia xuất khẩu dệt may trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan. Các quốc gia này sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ DN dệt may của họ như đã làm trong năm qua, đặc biệt là phá giá đồng nội tệ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút khách hàng.
Trong năm 2017, dự báo tổng cầu dệt may thế giới vẫn sẽ tăng trưởng chậm. Đặc biệt là sự kiện Brexit và việc trước khi đắc cử Tổng thống Mỹ mới tuyên bố không ủng hộ Hiệp định TPP sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang 2 thị trường lớn là EU và Mỹ.
Vì vậy, các DN dệt may Việt Nam nói chung và Tập đoàn Dệt may nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Dự kiến nếu không có chính sách đột phá, cụ thể là các chính sách hỗ trợ ngành dệt may thì kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2017 của ngành sẽ chỉ tăng khoảng 5-7% so với năm nay, ông Lê Tiến Trường cho hay.
Cần có những đột phá
Ngay trong năm 2016, Vinatex đã đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, tổng cộng có 41 dự án với tổng mức đầu tư (TMĐT) là 5.523,7 tỷ đồng, trong đó có 9 dự án sợi có TMĐT là 2.048,3 tỷ đồng; 9 dự án dệt nhuộm với TMĐT 1.399,5 tỷ đồng; 17 dự án may với TMĐT 1.824,7 tỷ đồng; 6 dự án nâng cấp, sửa chữa, thay thế máy móc thiết bị với số tiền 251,2 tỷ đồng.
Trong 8 dự án của Vinatex làm chủ đầu tư thì 7 dự án đã đi vào hoạt động, bao gồm: dự án Nhà máy Sợi Nam Định quy mô 2,1 vạn cọc đã hoàn thành giai đoạn I, vận hành chạy thử cuối tháng 4/2016; dự án Nhà máy Sợi Phú Cường quy mô 3 vạn cọc đã hoàn thành giai đoạn I, vận hành chạy thử cuối tháng 5/2016; dự án Nhà máy may Vinatex Cần Thơ gồm 29 chuyền may, vận hành sản xuất thử từ tháng 4/2016, sản lượng dự kiến năm 2016 đạt 0,6 triệu sản phẩm;
Dự án Nhà máy may Bạc Liêu gồm 25 chuyền may, vận hành sản xuất thử từ tháng 6/2016, sản lượng dự kiến năm 2016 đạt 0,4 triệu sản phẩm; dự án Nhà máy may Vinatex Lệ Thủy - Quảng Bình gồm 20 chuyền may, đưa vào sử dụng từ tháng 6/2016, dự kiến đạt 0,8 triệu sản phẩm năm 2016;
Dự án may Tuyên Quang gồm 16 chuyền may, vận hành chạy thử tháng 10/2016; dự án Yarndyed phía Nam, sản lượng dự kiến năm 2016 là 3,5 triệu mét vuông, chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2; dự án may Quế Sơn quy mô 20 chuyền may đang được triển khai thực hiện.
Ông Lê Tiến Trường chia sẻ, sự kiện cổ phiếu của Vinatex chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán ngay phiên giao dịch đầu tiên của năm 2017 là đúng lộ trình tái cấu trúc của tập đoàn. Tập đoàn đã thực hiện nghiêm túc việc công bố thông tin hoạt động SXKD minh bạch trong hai năm 2015 và 2016.
Vinatex sở hữu cổ phần tại nhiều DN dệt may lớn trên khắp cả nước như May 10, May Nhà Bè, Việt Tiến, Phong Phú, may Hưng Yên, dệt Phú Bài, dệt may Nam Định… cùng hệ thống trên 5.000 điểm bán hàng của các công ty thành viên trên toàn quốc.
Trong năm 2016, Vinatex cùng toàn ngành dệt may Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 5%, là quốc gia đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong Top 7 quốc gia sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Dệt may Việt Nam đã cải thiện tốt thị phần tại các thị trường quan trọng hàng đầu như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Điều đó cho thấy Vinatex nói riêng và toàn ngành nói chung có sức cạnh tranh lớn trên thị trường dệt may thế giới. Dệt may vẫn là ngành nhiều tiềm năng, có sức hút mạnh và duy trì được hiệu quả SXKD. Nhiều DN thành viên của Vinatex năm qua hoạt động tốt, minh bạch, cạnh tranh sòng phẳng, và có mức cổ tức lên tới 30%.
Với việc cổ phiếu Vinatex chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán, tập đoàn sẽ huy động thêm được nguồn vốn của các nhà đầu tư tương lai, tập trung hoàn chỉnh chuỗi cung ứng toàn diện, phát triển mạnh thương hiệu, sản phẩm, để hoạt động SXKD ngày một hiệu quả hơn và phát triển bền vững, ông Trường nhấn mạnh.