Ngành Ngân hàng đã điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả
Trong hai ngày 16 và 17/11/2015, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015, thảo luận về các báo cáo và chất vấn lại một số vấn đề.
Dù chưa nhận được câu hỏi chất vấn nào về lĩnh vực ngân hàng nhưng theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, hiệu quả, và có sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa.
Thị trường tiền tệ dần ổn định, thanh khoản của nền kinh tế và toàn hệ thống NH được cải thiện rõ rệt |
Lĩnh vực ngân hàng đã có nhiều cải thiện
Phó Thủ tướng cho biết, trong lĩnh vực ngân hàng, nội dung chất vấn tập trung vào điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, quản lý, kinh doanh vàng, ngoại tệ, cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu.
NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa; điều chỉnh giảm lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô và lạm phát. Mặt bằng lãi suất hiện nay bằng khoảng 40% so với năm 2011. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9-11%/năm, các DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có phương án/dự án khả thi thì lãi suất chỉ còn 5-6%/năm.
Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ dần ổn định, thanh khoản của nền kinh tế và toàn hệ thống được cải thiện. Điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2014 tăng 12,6%/năm; nhưng năm 2015 dự kiến sẽ tăng khoảng 17%, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Cùng với đó, cơ cấu tín dụng đã chuyển dịch tập trung hơn cho các lĩnh vực ưu tiên. Tính đến tháng 9/2015, tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng 63,38% so với cuối năm 2011. Đến tháng 8/2015, so với cuối năm 2012, tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 21%; tín dụng cho vay DNNVV tăng 13%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 31%; tín dụng đối với lĩnh vực DN ứng dụng công nghệ cao tăng 117%.
Song song với đó là tháo gỡ khó khăn, đổi mới quy trình, thủ tục cho vay vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn như: hỗ trợ các TCTD có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn (từ 40% trở lên) thông qua tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng mạng lưới tại các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất thông thường khác.
NHNN cũng chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp về đảm bảo nguồn vốn, giảm lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, DN tại khu vực nông thôn theo hướng tiết giảm tối đa thủ tục...
Ngoài ra, NHNN cũng chỉ đạo đẩy mạnh triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù như mô hình cho vay liên kết, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, chính sách cho vay đối với chăn nuôi, thủy sản, cà phê…
Cùng với đó, Chính phủ cũng ban hành các chính sách mới về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách như: Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo; Quyết định số 2621/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Nghị quyết 30a nhằm hỗ trợ các huyện nghèo; …
Cùng với đó là triển khai 20 chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên, hộ gia đình sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn... và một số các chương trình, dự án do các tổ chức nước ngoài, địa phương ủy thác.
Từ năm 2011 đến tháng 9/2015, tổng doanh số cho vay đạt trên 171 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay trên 137 nghìn tỷ đồng với hơn 8 triệu khách hàng. Hoàn thiện pháp luật về kinh doanh vàng; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm. Tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn; biến động của giá vàng không ảnh hưởng nhiều đến ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô. Quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã cơ bản chuyển sang quan hệ mua, bán.
“Tập trung triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối trong hệ thống các TCTD về cơ bản đã được xử lý và kiểm soát. Đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên nguyên tắc tự nguyện; giảm 17 tổ chức và 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang trong quá trình thanh lý. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có đánh giá tích cực về việc cơ cấu lại các TCTD của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói và cho biết thêm: thực hiện quyết liệt Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD; tăng cường thu hồi, cơ cấu lại, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro của TCTD; phát huy vai trò của VAMC; nợ xấu đã được kiểm soát, đến cuối tháng 9/2015 còn 2,93%. Năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của các TCTD được nâng lên, bảo đảm an toàn hệ thống.
Tiếp tục đẩy mạnh CPH và thoái vốn tại DNNN
Cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn DNNN được nhiều đại biểu quan tâm khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo kế hoạch giai đoạn 2011-2015, dự kiến cả nước phải CPH 538 DN, riêng giai đoạn 2014 -2016 phải CPH 432 DN.
Tổng hợp từ năm 2011 đến 10/11/2015, cả nước đã thực hiện CPH được 408/538 DN, đạt 76% kế hoạch của cả giai đoạn. Dự kiến hết năm 2015, cả nước sẽ thực hiện CPH thêm được 210 DN. Và như vậy số DN được CPH trong cả giai đoạn lên 459/538DN, đạt 90% kế hoạch của cả giai đoạn 2011 -2015. Về giá trị phần vốn CPH và bán phần vốn Nhà nước tại các DNNN, giai đoạn 2011 - 2015 đã bán phần vốn Nhà nước được 27.000 tỷ đồng, thu về 35.169 tỷ đồng, tăng lên 8.116 tỷ đồng.
“Với 27.000 tỷ đồng, chúng ta mới bán được 2,1% vốn Nhà nước tại DN. Và qua tổng kết sơ bộ, từ năm 2000 đến nay, chúng ta mới bán được 5%, tương đương 55.000 đến 57.000 tỷ đồng. Như vậy, số vốn Nhà nước còn tồn đọng tại DN lên đến 1,2 đến 1,3 triệu tỷ đồng”, ông Dũng nói và cho rằng, hiện nay thị trường tài chính chưa phát triển, việc triển khai CPH theo kế hoạch là cần thiết nhưng phải có trật tự, bán không cẩn thận sẽ làm thất thoát tiền Nhà nước.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách liên quan tới CPH. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát CPH, thoái vốn DNNN về tiến độ và hiệu quả. Thực hiện đồng bộ tái cơ cấu thị trường tài chính để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, trong đó có tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là CPH DNNN nói riêng.
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vì đã đi thẳng vào giải quyết các vấn đề nóng như nợ công, cân đối NSNN và hiệu quả nguồn vốn vay Nhà nước… mà các đại biểu quan tâm. Theo đại biểu: Vấn đề tài chính, ngân sách đang là vấn đề nóng, bức xúc được nêu lên nghị trường Quốc hội. Dù thời gian qua việc điều hành chính sách kinh tế đã đạt được nhiều kết quả nhưng bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều vấn đề bất cập. Đó là áp lực chi trả nợ, chi đầu tư rất lớn trong khi cân đối NSNN hết sức khó khăn, nợ công ở mức rất cao, đe dọa an ninh tài chính quốc gia. |