Ngành thép: Cơ hội lớn hơn xuất khẩu
Ngành thép Việt Nam: Cơ hội từ những khoảng trống | |
Hòa Phát đang dẫn đầu ngành thép? | |
Nóng cổ phiếu thép |
Nhờ giá thép thế giới phục hồi mạnh và việc Chính phủ áp thuế tự vệ tạm thời, năm 2016 đã chứng kiến một năm bùng nổ của các DN ngành thép. Tính trung bình, doanh thu và lợi nhuận của các DN trong ngành đã tăng trưởng 14,34% và 81,65%, giúp giá cổ phiếu chung tăng trưởng 91%. Trong quý II/2017, sản phẩm tôn mạ được áp thuế tự vệ chính thức là cơ hội cho các DN tăng trưởng tiêu thụ tôn mạ tại thị trường nội địa. Và thời cơ thêm rộng khi nhiều DN đã và đang tận dụng cả lợi thế thị trường trong nước và xuất khẩu cùng với những kế hoạch phát triển thép nguyên liệu.
Tuy nhiên, năm 2017 yếu tố biến động mạnh của giá thép sẽ không còn nên các DN thép mặc dù vẫn sẽ hoạt động có lãi nhưng có thể khó có mức tăng trưởng đột biến như năm 2016, Giám đốc nghiệp vụ đầu tư Dragon Capital Võ Nguyễn Khoa Tuấn nhấn mạnh. Điều này có thể thấy rõ trong bức tranh kinh doanh quý I/2017, lợi nhuận sau thuế của một số DN thép như VGS, TIS, thậm chí là HSG đã tăng trưởng chậm lại.
Đồng tình với ý kiến của chuyên gia Võ Nguyễn Khoa Tuấn, TS. Nguyễn Văn Sưa – Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam có bổ sung, năm 2017 tuy ngành thép không còn mức tăng trưởng đột biến nhưng giá thép sẽ không thể rơi về mức thấp như năm 2014 và 2015.
Nhu cầu thép nội địa trong tương lai vẫn cho các DN một khoảng thị phần rộng. TS. Sưa cho biết đến năm 2020, để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, sản lượng thép sản xuất ước cần đạt 22-26 triệu tấn thành phẩm, 18 triệu tấn phôi và 8 triệu tấn gang.
Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh đối với các DN thép Việt Nam sẽ ngày càng lớn dần theo độ mở của hội nhập kinh tế. Tính đến 2016, Việt Nam đã ký kết 12 FTA song phương và đa phương, đang đàm phán 4 FTA và đang xem xét 1 FTA, ngành thép Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập sâu rộng với ngành thép thế giới. Theo các cam kết về thuế quan của các FTA đã ký kết, thuế suất nhập khẩu trung bình của thép và các sản phẩm thép vào Việt Nam sẽ chỉ dao động ở mức 0,69% - 7,55% trong giai đoạn 2015-2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tiếp theo.
Với những áp lực này các chuyên gia cho rằng ngành thép sẽ có sự phân hóa rõ rệt và cơ hội đang hướng về các DN tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình sản xuất khép kín; Mở rộng mạng lưới bán hàng, nâng cao năng lực quản trị đặc biệt là đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm. Theo đó, các DN hoàn thiện được chuỗi giá trị như: Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG), Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), hay CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) sẽ bật lên mạnh mẽ, chống chịu rủi ro tốt hơn so với các DN thương mại, hoặc gia công thép đơn giản. Trong giai đoạn 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân của HPG đạt 29,5%, cao hơn mức tăng 29% của VNM.
Trong khi đó, HSG và NKG đều ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận rất ấn tượng trong 3 năm trở lại đây. Mức ROE của các công ty thép Việt Nam đều trên 20%/năm, vượt trội khi so với các DN thép khác trong khu vực, ông Tuấn phân tích. Cơ hội thêm rộng mở, đối với các DN đang hướng vào sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt và biên lợi nhuận cao như ống thép đặc biệt là tôn mạ đang là mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam.
Ví như Tập đoàn Hoa Sen, không chỉ chiếm gần 40% thị phần tôn và gần 20% thị phần ống thép trên cả nước mà còn là DN xuất khẩu tôn, thép hàng đầu Đông Nam Á. Sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 40% tổng sản lượng và trên 70 quốc gia vùng lãnh thổ. Cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Hoa Sen đưa lô hàng tôn thành phẩm 12.000 tấn sang châu Âu, với giá trị khoảng 9 triệu USD. Trước đó, tháng 3/2016, Hoa Sen đã xuất khẩu lô hàng 20.000 tấn tôn thành phẩm đến thị trường Hoa Kỳ. 6 tháng đầu niên độ tài chính 2016-2017, sản lượng của HSG đạt gần 784.133 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ, doanh thu thuần đạt 11.980 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ niên độ trước và lợi nhuận sau thuế đạt 855 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ niên độ trước.
Với CTCP Thép Nam Kim, cùng với việc vươn lên trở thành nhà sản xuất lớn thứ 2 Việt Nam, chiếm 14,8% thị phần tôn mạ, sản phẩm ống thép cũng tăng trưởng nhanh từ năm 2011 đến nay, thị phần tăng từ 0,25% lên 5,14%. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thép Nam Kim Phạm Mạnh Hùng cho biết, 96.304 tấn ống thép sản xuất năm 2016 được tiêu thụ nội địa 100%, nhưng 70% trong 419.680 tấn tôn mạ của công ty lại được tiêu thụ tại nước Đông Nam Á, Mỹ và Mexico. Quý III/2017, công ty sẽ đưa vào vận hành 2 dây chuyền cán nguội tại Nhà máy Nam Kim 3, nâng công suất CRC lên 1 triệu tấn/năm. Đây là tiền đề quan trọng giúp NKG mở rộng năng lực sản xuất tôn mạ và ống thép với mục tiêu năm 2020, sản lượng thành phẩm đạt 1,2 triệu tấn, tăng trưởng 2,2 lần so với hiện tại.