Ngư dân cần thêm cơ chế để tiếp tục ra khơi
Ngành NH chủ động nhập cuộc
Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ 67) về một số chính sách phát triển thủy sản là một chủ trương của Chính phủ để tăng cường nguồn lực đội tàu hiện đại, góp phần vừa tăng sản lượng khai thác, vừa tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia. Thực hiện chủ trương này, NHNN đã ban hành Thông tư số 22/2014/TT-NHNN ngày 15/8/2014 hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo NĐ 67 và Thông tư số 21/2015/TT-NHNN ngày 16/11/2015 hướng dẫn thực hiện NĐ 89 của Chính phủ.
Đồng thời NHNN đã có văn bản chỉ đạo đôn đốc NHNN chi nhánh 28 tỉnh, thành phố ven biển, các NHTM tích cực triển khai NĐ 67. NHNN đã thành lập Đoàn công tác đi khảo sát, đánh giá tình hình đồng thời phối hợp với Ban chỉ đạo triển khai NĐ 67 của một số địa phương tổ chức các buổi làm việc nhằm đối thoại trực tiếp với ngư dân để nắm bắt khó khăn, vướng mắc từ đó có những phương án xử lý phù hợp.
Đến thời điểm này, các NHTM đã tích cực triển khai cho vay và ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 965 tàu |
Đơn cử, về mức cho vay, NHNN yêu cầu các NHTM tạo điều kiện để khách hàng được vay vốn mức cao nhất theo quy định của NĐ 67. Trường hợp chủ tàu tạm thời gặp khó khăn về vốn đối ứng, các NHTM thực hiện xem xét cho vay theo cơ chế cho vay thông thường để ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu. Các NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay vốn lưu động phục vụ khai thác hải sản xa bờ từ 7%/năm xuống 6,5%/năm...
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIVcho biết, hầu hết các tàu đều có công suất lớn trên 800 mã lực phục vụ khai thác vùng ngoài khơi và các chuyến ra khơi đều hiệu quả, an toàn. NĐ 67 mở ra cơ hội cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn. Điều này không những tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế biển mà còn giúp ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao đời sống…
Nhưng khó khăn đang ngoài tầm với
Tuy nhiên, bên cạnh những con tàu vươn khơi, bám biển thì có cả những ngư dân đang gặp nhiều khó khăn. Từng là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện NĐ 67, nhưng đến thời điểm này, không ít ngư dân Bình Định đang lao đao. Ngư dân Bình Định đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng 56 tàu cá đóng mới theo NĐ 67 nhưng hiện có 18 tàu cá vỏ thép mới đóng bị hư hỏng. Trong đó, có 13 chiếc do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng, 5 chiếc do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương ở Nam Định đóng. Ngư dân Trần Đình Sơn, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99245 TS ở Phù Mỹ cho biết, con tàu được vay vốn theo NĐ 67 trị giá gần 20 tỷ đồng, trong đó ông Sơn vay ở BIDV Phú Tài 19 tỷ đồng.
Trong chuyến đi biển đầu tiên, máy tàu đã trục trặc, phải quay về. Đến chuyến thứ hai thì máy bị gãy trục chính, gia đình phải thuê hai tàu kéo vào bờ, nằm chờ sửa chữa. Gia đình đã nhiều lần đề nghị cơ sở đóng tàu có biện pháp sửa chữa triệt để để yên tâm vươn khơi. Thế nhưng, đến thời điểm này vẫn chưa được đáp ứng. Tàu không hoạt động, vừa không có thu nhập, vừa không có tiền trả lãi vay NH, gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Hiện ở Bình Định đang có nhiều ngư dân cùng cảnh ngộ như ngư dân Đinh Công Khánh, chủ tàu cá Khánh Đỏ BĐ 99086 TS ở Phù Cát, tàu nằm bờ, không những không đi biển được mà mỗi ngày còn phải mất mấy trăm nghìn đồng để thuê người trông coi tàu...
Những bất cập trên đang gây khó khăn cho đời sống của ngư dân cũng như khả năng trả nợ cho NH. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp cho biết, trước tình hình trên bộ đã ban hành hai văn bản yêu cầu toàn bộ các tỉnh, thành rà soát lại việc thực hiện NĐ 67. Đồng thời, cử Tổng cục Thủy sản vào làm việc cùng tỉnh Bình Định, mời tất cả ngư dân và hai đơn vị đóng tàu đến trực tiếp đối chất để làm rõ phạm vi hỏng hóc và trách nhiệm của từng bên. “Bộ đã đình chỉ 2 DN trên dừng đóng mới, tập trung khắc phục triệt để các sự cố, bồi thường cho người dân. Thành lập đơn vị thẩm định độc lập để đánh giá khách quan sự cố, mời công an vào cuộc để có giải pháp xử lý”, ông Cường cho biết thêm.
Về phía NH, mặc dù các NHTM cũng muốn xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho ngư dân, nhưng rủi ro từ nguyên nhân trên không được hưởng cơ chế xử lý rủi ro theo NĐ 67. Hiện đã có khoản vay đến hạn nhưng ngư dân không trả được nợ vay NH dẫn đến nợ quá hạn, khiến các NH phải chuyển toàn bộ khoản nợ của khách hàng sang nhóm nợ có độ rủi ro cao hơn, làm tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của NH...
Khó lại chồng khó cho ngư dân khi tàu nằm bờ, nguồn thu không có trong khi cần phải có tiền tươi thóc thật mua bảo hiểm cho tàu. Một chủ tàu chia sẻ, theo Điều 5, NĐ 67, Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm với tỷ lệ theo công suất tàu. Mặc dù Chính phủ đã thống nhất kéo dài thời hạn thực hiện NĐ 67 đến hết năm 2017, nhưng Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn mới đối với 4 DN bảo hiểm được chỉ định thực hiện chính sách bảo hiểm tàu cá. Vì vậy, ngư dân không mua được bảo hiểm do Nhà nước hỗ trợ để đưa tàu ra khơi. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chính thức chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn ngay việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm theo NĐ 67, không để các tàu cá được đóng mới, nâng cấp theo đúng quy định không ra khơi được vì vướng mắc về bảo hiểm...
Đến thời điểm này, các NHTM đã tích cực triển khai cho vay và ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 965 tàu (335 tàu vỏ thép, 580 tàu vỏ gỗ và 50 tàu vỏ vật liệu mới) với tổng số tiền cam kết cho vay là 9.544 tỷ đồng, đã giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu đạt 8.537 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.434 tỷ đồng, hiện đã có 710 tàu cá hoàn thành đóng mới, nâng cấp đi vào hoạt động. Dự kiến cuối tháng 6/2017 Chính phủ sẽ họp tổng kết NĐ 67 và sẽ có nghị định mới thay thế khắc phục những bất cập trong quá trình triển khai tại NĐ 67. |