Nhà nước độc quyền, không ai có lợi
Luật Cạnh tranh (sửa đổi): DN sẽ cạnh tranh bình đẳng trên thị trường | |
Tăng trưởng hao mòn vì thiếu cạnh tranh |
Khi nhà nước buông bỏ độc quyền
Trong chương trình Aus4Reform hỗ trợ cải cách kinh tế ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã nghiên cứu về vai trò của Nhà nước và độc quyền nhà nước trong 4 ngành công nghiệp mạng lưới ở Việt Nam là viễn thông, hàng không, điện và đường sắt.
Nghiên cứu cho thấy mặc dù hệ thống cơ chế, chính sách nhằm hạn chế độc quyền kinh doanh, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh đã được ban hành khá đầy đủ, tạo cơ sở cho cải cách. Tuy nhiên, kết quả cải cách và hiện trạng độc quyền nhà nước của mỗi ngành khác nhau, lộ trình cải cách trong từng ngành cũng khác nhau.
Năm 2010 có 11,2 triệu khách đi tàu hỏa, năm 2017 con số này chỉ còn 9,5 triệu lượt |
Điều đáng chú ý là khi độc quyền nhà nước được cải cách sẽ tạo nên sự phát triển. Nhưng khi ngành nào vẫn là độc quyền nhà nước thì chính ngành đó không phát triển được, người tiêu dùng không được cung cấp dịch vụ tốt hơn với giá hợp lý hơn, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của cả nền kinh tế và xã hội.
Ngành viễn thông là minh chứng rõ nhất về lợi ích đạt được khi nhà nước không còn độc quyền, cả xã hội đã được sử dụng dịch vụ chất lượng hơn, đa dạng hơn và giá luôn cạnh tranh. Hay như từ khi xóa bỏ độc quyền nhà nước trong vận tải hàng không, nhiều hãng hàng không mới ra đời. Các hãng hàng không đã phát triển tạo ra một thị trường cạnh tranh mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng nhưng giá lại rẻ hơn.
Tuy nhiên, trong ngành hàng không, Nhà nước vẫn độc quyền quản lý và khai thác cảng hàng không. Toàn bộ 22 sân bay thương mại đang do DNNN quản lý và khai thác nên giá dịch vụ cảng không hợp lý, giữa các hãng hàng không vẫn có sự chưa công bằng khi tiếp cận tới hạ tầng cảng hàng không. Trong ngành viễn thông, tổng thị phần của VNPT, Mobifone và Viettel (3 DNNN) vẫn duy trì vị trí thống lĩnh thị trường, có sức mạnh thị trường rất lớn.
Ngành điện cũng mới mở cửa một phần. Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang có vị trí thống lĩnh thị trường, chi phối trong hoạt động phát điện, độc quyền trong quản lý hạ tầng mạng truyền tải điện và phân phối điện… Trong khi đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (TCT ĐSVN) vẫn gần như độc quyền toàn bộ ngành đường sắt.
Thực tế cũng cho thấy, do Nhà nước mới “buông” một phần trong các lĩnh vực này, Nhà nước vẫn còn độc quyền ở một số phân khúc và ở những nơi này vẫn gặp nhiều lời than chê của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước thu về cũng bị ảnh hưởng. Thị trường vẫn bị thống lĩnh bởi các DNNN đã tồn tại từ trước.
“Tình trạng độc quyền này đang khiến ngành đường sắt đi giật lùi và chúng ta thấy rõ ngành này đang lâm vào khủng hoảng lớn như thế nào, và cho dù độc quyền cả ngành nhưng tự nó không thể cạnh tranh với các ngành vận tải khác”, TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng CIEM phát biểu.
“Đang chuyển đổi” là cái cớ để biện minh
Theo TS.Lê Đăng Doanh, mặc dù chúng ta đã có nỗ lực nhất định nhưng thực chất lại biến độc quyền nhà nước thành độc quyền DN mà không có sự tham gia giám sát của xã hội, không có cơ quan đủ quyền lực giám sát độc quyền, nên rất khó giảm độc quyền kinh doanh Nhà nước cho dù Luật Cạnh tranh đã có quy định. Từ đó ông đề nghị phải thành lập cơ quan giám sát về cạnh tranh.
Bà Phạm Chi Lan – nguyên Phó Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, quy định hiện nay nhiều nhưng không có chế tài; độc quyền bị kéo dài chậm bị phát hiện khi bị phát hiện thì bất chấp nó gây thiệt cho người tiêu dùng và nền kinh tế nhưng cũng vẫn được bao che. Trong khi Nhà nước chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, nhưng trong nhiều DN, Nhà nước vẫn giữ lại 51% số cổ phần hoặc hơn nữa khiến cho tiếng nói quyết định về những vấn đề quan trọng của DN vẫn thuộc về Nhà nước. “Đẩy nhanh tiến độ cải cách chống độc quyền Nhà nước với lộ trình và mức độ đã cam kết với quốc tế sẽ làm cho chúng ta tốt hơn”, bà Lan nói.
Nghiên cứu của CIEM và góp ý của các chuyên gia cho thấy một điều Nhà nước giữ độc quyền thì Nhà nước không được lợi hơn mà chính ngành đó cũng không phát triển được. Từ đó, nghiên cứu của CIEM và Aus4Reform kết luận: Nhà nước chỉ nắm giữ độc quyền ở những khâu, công đoạn có tính độc quyền tự nhiên để đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng cho tất cả các DN tới các hàng hóa, dịch vụ đặc biệt này.
Nếu trao vị thế độc quyền này cho DN, Nhà nước phải quản lý chặt chẽ để đảm bảo tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng, bình đẳng. Sự nhùng nhằng thiếu quyết liệt là nguyên nhân chính của nhiều hạn chế hiện nay. Thị trường, thị trường và thị trường hơn; cạnh tranh, cạnh tranh và cạnh tranh hơn mới là chìa khóa, là động lực để cả Nhà nước và tư nhân, cả nền kinh tế và xã hội phát triển được.
“Cứ mỗi khi gặp vấn đề chúng ta lại nói “đang trong quá trình chuyển đổi đến kinh tế thị trường”, cụm từ này đã trở thành cái cớ, là cái thứ người ta vin vào để biện minh cho những trì trệ cho những cái làm rất dở”, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM lên tiếng, đồng thời nhấn thêm rằng: Phải quyết liệt hơn và làm sao 5 năm sau không còn nghe thấy cụm từ “đang chuyển đổi” này nữa.