Luật Cạnh tranh (sửa đổi): DN sẽ cạnh tranh bình đẳng trên thị trường
Thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Ủy ban cạnh tranh nằm ở đâu? | |
Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Làm gì để UBCT Quốc gia phát huy vai trò? |
Quốc hội chính thức thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi) - Ảnh: daibieunhandan.vn |
Luật Cạnh tranh gồm 10 chương, 118 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; Hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam; Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan.
Về đối tượng áp dụng, theo báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này. Tuy nhiên, một số đơn vị sự nghiệp công lập đã hoàn toàn tự chủ, hiện hoạt động như doanh nghiệp, nhưng thực tế hiện nay vẫn còn các đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện lộ trình chuyển dần theo cơ chế tự chủ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy, các đơn vị công lập như ngành y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, việc thực hiện các quy định của Luật Cạnh tranh gặp khó khăn, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nội dung này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thì đơn vị sự nghiệp công lập bên cạnh việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước còn cung cấp các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước. Đối với các loại dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được xác định giá dịch vụ theo cơ chế thị trường.
Do đó, trong trường hợp này, đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động như một doanh nghiệp thì vẫn phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật hiện hành trong đó có pháp luật về cạnh tranh. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như quy định tại Điều 2 của dự thảo Luật.
Về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Chương VII), theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến đề nghị sửa lại quy định tại khoản 3 Điều 50 dự thảo Luật đối với thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, tương tự như quy trình bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, xem xét có thể kéo dài nhiệm kỳ bổ nhiệm của các chức danh này lên 7 năm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương do Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Việc quy định thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong đó bao gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm là để bảo đảm tính độc lập trong việc thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh. Quy định về bổ nhiệm và nhiệm kỳ của thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là 05 năm, phù hợp với Quy chế bổ nhiệm cán bộ, công chức của Chính phủ. "Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Luật đã trình Quốc hội." - theo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trao đổi với thoibaonganhang.vn ngay sau khi Luật Cạnh tranh được Quốc hội thông qua, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, Luật này giúp cho các doanh nghiệp hoạt động đảm bảo đúng khuôn khổ pháp luật, không rơi vào trạng thái, yếu tố độc quyền trong cạnh tranh. Đây là khuôn khổ pháp lý rất tốt để giúp các doanh nghiệp cạnh tranh một cách bình đẳng trên thị trường.
Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong 1 năm nữa Luật có hiệu lực thi hành, các cơ quan tổ chức về bộ máy quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương phải kiện toàn bộ máy đảm bảo thực thi Luật được hiệu quả.