Nhiều giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai
Cần sự phối hợp chặt chẽ của tất cả thành viên thị trường | |
Cùng ngành Ngân hàng quyết liệt xử lý nợ xấu | |
Kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu |
Chỉ còn hai tuần nữa Nghị quyết số 42 (NQ42) của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các TCTD sẽ có hiệu lực (15/8). Ghi nhận từ thị trường, đến thời điểm hiện nay, nhiều NHTM đã bắt đầu đưa ra các giải pháp nhằm hiện thực hóa những quy định pháp lý của NQ42, đồng thời đặt ra các mục tiêu khá cụ thể cho công tác xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng.
Quyết tâm phá băng nợ
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, đại diện lãnh đạo Agribank cho biết để triển khai NQ42, hiện nay toàn bộ guồng máy của Agribank đã bắt đầu vào cuộc. Mục tiêu đơn vị đặt ra là không chỉ xử lý nợ xấu mà còn gắn với hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Vì vậy, trong các phương án xử lý nợ, có cả phương án chấp nhận giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng trả nợ.
Nhiều dự án BĐS dang dở có cơ hội hồi phục sau khi các NHTM bắt tay vào xử lý nợ theo quy định mới |
Theo đó, một mặt Agribank sẽ phối hợp với VAMC để triển khai ngay một số chính sách động viên, khuyến khích khách hàng có nợ xấu đã bán cho VAMC và đã xử lý dự phòng rủi ro trước ngày 15/8/2017, bằng cách miễn toàn bộ lãi suất phạt quá hạn, điều chỉnh lãi suất của tất cả các khoản nợ xấu về mức lãi suất cho vay như hiện nay đang áp dụng. Với chương trình này, Agribank dự kiến giảm 30.000 tỷ đồng cho các khoản nợ đã được xử lý rủi ro và đã bán cho VAMC.
Song song đó, Agribank cũng sẽ áp dụng cơ chế miễn giảm lãi theo thời hạn hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, thậm chí có trường hợp được áp dụng tới mức cao nhất miễn 100% lãi đọng để khuyến khích khách hàng tìm nguồn trả nợ. Dự kiến nếu tích cực hợp tác, khách hàng sẽ được miễn giảm khoảng 40.000 tỷ đồng. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho khách hàng có nợ xấu tiếp tục vay vốn, Agribank sẽ thực hiện “nuôi nợ” bằng cách cho vay hỗ trợ khó khăn đối với tất cả các khách hàng có nợ đã xử lý rủi ro, nợ đã bán cho Agribank nay có nguyện vọng, có khả năng, điều kiện khôi phục sản xuất.
Ở phía các NHTMCP hoạt động triển khai NQ42 cũng nhộn nhịp không kém. Tại Sacombank, sau khi có chủ tịch mới, NH này tự tin đặt mục tiêu giải quyết nhanh nợ xấu và tài sản tồn đọng. Theo đó, trong vòng 3 năm (2017-2019) Sacombank dự kiến sẽ giải quyết khoảng 65-75% nợ xấu và tài sản tồn đọng mà đơn vị đã bán và sẽ bán cho VAMC, kéo tỷ lệ nợ xấu từ 6,81% về mức 3%.
Những báo cáo mới nhất của Sacombank cho biết, đến tháng 6/2017, NH này đã tự xử lý được 845 tỷ đồng nợ xấu, thu hồi 247 tỷ đồng nợ đã bán cho VAMC. Đơn vị cũng xử lý thu hồi được trên 1.000 tỷ đồng đối với các tài sản cấn trừ, gán nợ. Với việc áp dụng các quy định xử lý nợ của NQ42, Sacombank đặt mục tiêu sẽ xử lý được khoảng 20.000 tỷ đồng nợ xấu đến cuối 2017.
Trong khi đó, tại ACB, mới đây, sau khi xử lý dứt điểm được các khoản nợ liên quan đến 6 công ty trực thuộc Vinalines, Vinashin, NH này đã bắt đầu thực hiện thanh lý hàng loạt các tài sản BĐS tại khu vực Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân (TP.HCM), với giá trị ước khoảng 160 tỷ đồng. Còn tại DongABank đến cuối tháng 6/2017, đã thực hiện bán tài sản và thu hồi được trên 1.260 tỷ đồng nợ xấu. Điều này cho thấy, các NHTM đã khá chủ động trong việc xử lý bán tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu.
Kỳ vọng xử lý nhanh tài sản đảm bảo
Hiện tỷ lệ nợ xấu của Techcombank là 2,06%, số nợ xấu còn lại tại VAMC ước khoảng 2.900 tỷ đồng (tính đến cuối 2016). Tuy nhiên, mỗi năm NH này xử lý được trung bình khoảng trên 1.100 tỷ đồng nhờ áp dụng các quy định tại Nghị định 163/2006 của Chính phủ. Lãnh đạo Techcombank cho rằng, nếu áp dụng tốt các quy định về quyền thu giữ tài sản tại NQ42 thì thời gian xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến thi hành án có thể sẽ chỉ mất khoảng 1 năm, thay vì 2-3 năm như các năm trước. Điều này sẽ khiến cho kết quả xử lý nợ xấu tại đơn vị sẽ khả quan hơn trong các tháng cuối 2017.
Ở một góc nhìn tổng quan hơn, ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho rằng, các quy định về thu giữ tài sản trong NQ42 đã khá cởi mở. Hiện tất cả các TCTD trên địa tỉnh Đồng Nai đều đã triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng xử lý các tài sản đảm bảo nợ. Các cơ quan liên quan như Công an, Tòa án, chính quyền cấp cơ sở tại địa phương cũng đã tỏ rõ thiện chí hợp tác với ngành Ngân hàng trong việc triển khai NQ42. Do vậy, nếu các khách hàng đang có nợ xấu tại các TCTD tích cực hợp tác thì cơ hội xử lý được số tài sản đảm bảo nợ đang thi hành án tại địa bàn Đồng Nai (ước khoảng 1.700 tỷ đồng) sẽ rất lớn. Khi xử lý được số tài sản này, các TCTD sẽ có nhiều điều kiện xem xét miễn giảm lãi suất quá hạn cho các khách hàng của mình.
Trong khi đó, ở phía ngành BĐS, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng, hiện nay NQ42 đã cho phép các đơn vị xử lý nợ được phép chuyển nhượng tài sản đảm bảo là dự án BĐS kể cả các trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Điều 10, NQ42 – PV).
Hiện HoREA cũng đã kiến nghị sửa đổi một số điều trong Luật Đất đai và Luật Kinh doanh BĐS theo hướng cho phép chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án kể từ thời điểm sau khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Nếu kiến nghị này được chấp thuận thì hàng loạt các dự án BĐS đang “trùm mền” có thể được hồi sinh vì chỉ tính riêng địa bàn TP.HCM cũng đang có khoảng 500 dự án BĐS phải “trùm mền”, vướng nợ NH nhưng chưa thể chuyển nhượng để tiếp tục hoàn thiện.