Cần sự phối hợp chặt chẽ của tất cả thành viên thị trường
Cùng ngành Ngân hàng quyết liệt xử lý nợ xấu | |
Nghị quyết xử lý nợ xấu có hiệu lực: NH chủ động phối hợp thi hành án | |
Kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu |
Ông Lê Thành Trung |
Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu (XLNX) của các TCTD (NQ 42) được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác XLNX thời gian tới. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Thành Trung - Phó tổng giám đốc HDBank để hiểu rõ hơn tâm tư cũng như giải pháp các NH sẽ cụ thể hoá các vấn đề trên ra sao.
Cảm nghĩ của ông thế nào khi NQ 42 được ban hành? Và HDBank sẽ triển khai thực hiện NQ này như thế nào?
NQ 42 của Quốc hội đã khẳng định quyền của chủ nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nợ là các NH có thể xử lý tài sản đảm bảo (TSĐB). Phần lớn các khoản nợ xấu hiện nay đều có TSĐB. Việc XLNX nhiều năm qua chậm và vướng mắc cũng chính từ TSĐB đó thông qua con đường tố tụng cũng như là việc cưỡng chế thu hồi tài sản, thi hành án mất nhiều thời gian. Do đó, NQ 42 ra đời là bước tiến đáng kể trong tháo gỡ khó khăn để XLNX.
Việc cho phép chủ nợ là các NH được quyền thu giữ TSĐB là một trong những tiền đề quan trọng để thị trường mua bán nợ phát triển |
Sau khi NQ được ban hành, chúng tôi xây dựng quy trình cụ thể. Theo đó, NH rà soát lại tất cả các khoản vay có TSĐB để khẩn trương xử lý TSĐB đó theo tinh thần NQ. Hiện tại, TSĐB của NH nằm phần chính là bất động sản (BĐS). Do đó, khi NQ khẳng định quyền của chủ nợ, việc thu giữ cũng như xử lý các khoản nợ xấu có TSĐB là BĐS sẽ có chiều hướng tốt hơn nhiều.
Kinh nghiệm XLNX của HDBank là tăng cường phối hợp, giám sát khoản nợ xấu cùng với con nợ để xử lý. Trên cơ sở xử lý thu hồi tài sản, nhưng NH động viên khách hàng vay vốn có nợ xấu tìm nguồn trả nợ thông qua hình thức cắt giảm lãi suất, lãi suất phạt, để làm sao khi họ trả nợ xấu cũng cảm thấy được thoải mái nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng, còn một vấn đề quan trọng là cần sự phối hợp rất chặt chẽ của các bộ, ban, ngành liên quan trong việc hỗ trợ NH thực hiện quyền chủ nợ như tinh thần NQ 42 đã nêu ra.
Đây có phải là vấn đề mấu chốt để các NH có thể đẩy nhanh XLNX hay không, thưa ông?
Đúng vậy. Vấn đề mấu chốt giúp NH có thể thực hiện hiệu quả NQ 42 là sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan. Đặc biệt là các cơ quan thực thi pháp luật như Bộ Công an, Toà án, cơ quan Thi hành án… để làm sao khi mà NH tiến hành thu giữ tài sản đó sẽ được thực hiện một cách thuận lợi nhất.
Tuy NQ 42 đã tăng quyền đó cho NH, nhưng nếu nhân viên NH đến thu giữ tài sản gặp sự chống đối từ phía người vay, nếu không có sự hỗ trợ của cơ quan pháp luật thì NH sẽ lại gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện quyền của mình. Bởi NH không thể nào áp dụng biện pháp mạnh để thu giữ vì nó không nằm trong chức năng của NH. Đây là vấn đề thực tiễn. Nên khi NQ 42 có hiệu lực, với sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, tôi cho rằng công cuộc XLNX sẽ có bước tiến nhanh hơn. Chúng tôi cũng kỳ vọng NQ 42 được phát huy hiệu quả càng nhanh càng tốt. Vì nợ xấu được ví như cục máu đông nếu mỗi ngày qua đi cục máu đông vẫn còn đó thì chắc chắn sẽ gây tác hại cho nền kinh tế.
Với quy định mới tại NQ 42, hoạt động mua bán nợ theo cơ chế thị trường trong thời gian tới sẽ sôi động hơn không, thưa ông?
Việc cho phép chủ nợ là các NH được quyền thu giữ TSĐB là một trong những tiền đề quan trọng để thị trường mua bán nợ phát triển. Nợ là hàng hoá thị trường. Hàng hoá đó được luân chuyển dễ dàng hơn chắc chắn thị trường mua bán nợ cũng sẽ nhộn nhịp hơn. Đây là một trong những điều kiện cần thiết để phát triển thị trường mua bán nợ.
Ngoài ra, khi nói đến mua bán nợ theo cơ chế thị trường còn cần tới một nguồn lực nữa là các công ty mua bán nợ chuyên nghiệp và cơ chế chính sách được hoàn thiện đảm bảo hành lang pháp lý rõ ràng hơn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này. Lúc đó, việc mua bán ra sao hoàn toàn theo cơ chế thị trường, cứ thuận mua vừa bán. Đặc biệt, theo NQ 42, có một bước tiến lớn trong XLNX đó là cho phép các NH được bán khoản nợ dưới giá trị thực gốc của khoản vay. Chúng ta biết rằng, một tài sản khi cho vay có giá trị 10 đồng nhưng qua một thời gian, với biến động thị trường, giá có thể cao hơn nhưng cũng có thể thấp hơn. Nhưng khi chúng ta thống nhất được nguyên tắc như vậy, việc mua bán nợ theo giá thị trường sẽ là điều kiện thuận lợi.
Với quy định trên NH có mạnh dạn bán nợ xấu dưới giá trị thực không, thưa ông?
Tôi nghĩ, các NH đều rất mong muốn xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu. Nếu bây giờ NH bán nợ với giá không được kỳ vọng nhưng bù lại họ lại thu được tiền tươi thóc thật, có dòng tiền mới để đưa vào kinh doanh ngay. Còn không, họ phải chờ đợi khởi kiện, thủ tục kéo dài vài ba năm, lại mất đi cơ hội kinh doanh. Chi phí thiệt hơn ra sao thì các NH tự tính toán. Và không có công thức chung nào để tính toán sự thiệt hơn này. Tùy từng trường hợp cụ thể mà NH đưa ra phương án xử lý và giá cả. Giả sử nếu khoản nợ đó ở vào thời điểm bắt đầu khởi kiện, mất thời gian để thu hồi thì giá sẽ khác. Còn khoản nợ chuẩn bị đến thời gian thi hành án thì giá lại khác…
Xin cảm ơn ông!