Kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu
NHNN thành lập Ban chỉ đạo XLNX ngành Ngân hàng giai đoạn 2016 – 2020 | |
Tháo gỡ căn bản vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu | |
Thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các TCTD và XLNX |
Cuối tuần qua ngành Ngân hàng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu (XLNX ) và Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX giai đoạn 2016 - 2020. Những chỉ đạo của Thống đốc cũng như phát biểu của các NHTM cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực đồng lòng và kỳ vọng của toàn Ngành trong việc đẩy nhanh quá trình XLNX một cách hiệu quả, an toàn nhất.
Ông Võ Minh |
Ông Võ Minh, Giám đốc Chi nhánh NHNN Đà Nẵng: Rà soát, đánh giá lại nội dung hợp đồng tín dụng
Trên cơ sở triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm XLNX của các TCTD (NQ 42), chúng tôi kỳ vọng kết quả thời gian tới sẽ khả quan hơn, tỷ lệ nợ xấu có cơ hội giảm xuống. Về phía khách hàng, có thể thấy ít nhất khi có NQ 42, tinh thần của các khách hàng vay vốn chắc chắn sẽ được cải thiện, không còn tâm lý ỷ lại vào các sơ hở của luật pháp để có cơ hội chây ì, né tránh không thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình.
Tại điểm b, khoản 3, Điều 7 (NQ 42) về thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ), trong đó có quy định NHTM khi thu hồi tài sản phải gửi văn bản thông báo cho UBND cấp xã, cơ quan công an nơi có TSBĐ. Quốc hội cũng chưa phân định rõ cơ quan công an nơi có TSBĐ là cơ quan công an cấp nào. Theo chúng tôi hiểu, có thể do quan điểm của từng NHTM, do quy mô tài sản, tính chất và mức độ dư nợ thì có thể gửi tới cơ quan công an cấp xã, phường hoặc cơ quan công an ở những cấp khác. Chúng tôi đề nghị NHNN trao đổi thêm với Bộ Công an để có sự thống nhất, tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện tại địa phương.
Thời gian qua, việc XLNX của các TCTD gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do một số nguyên nhân về hành lang pháp lý, về thái độ bất hợp tác từ phía khách hàng... |
Thêm nữa, các bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn triển khai nhanh, kịp thời, rõ ràng, cụ thể các nội dung được quy định tại NQ 42. Các văn bản hướng dẫn càng cụ thể thì Nghị quyết càng có thể đi vào cuộc sống nhanh hơn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nên sớm cho phép thành lập các công ty mua bán nợ tư nhân trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan trung ương.
Với NHNN địa phương, đây sẽ là đầu mối gắn kết các NHTM trên địa bàn với các cơ quan có liên quan nhằm tháo gỡ nhanh những vướng mắc phát sinh trong quá trình XLNX và thực hiện NQ 42. Các TCTD cũng cần tự rà soát, đánh giá lại nội dung trong các hợp đồng tín dụng nói chung xem đã phù hợp với quy định trong NQ 42 chưa để điều chỉnh. DN và người dân cần phải được truyền thông sâu rộng các chủ trương, quy định của luật pháp đối với quy định tại NQ 42 nhằm nâng cao nhận thức và sự phối hợp hiệu quả, hạn chế nợ xấu ở mức thấp nhất. Bản thân từng TCTD có thể tổ chức các hội nghị khách hàng để phổ biến Nghị quyết này và các văn bản hướng dẫn của cơ quan liên quan tới từng đối tượng khách hàng của mình…
Ông Lê Đức Thọ |
Ông Lê Đức Thọ,Tổng Giám đốc VietinBank:
Sớm triển khai và hướng dẫn bằng các văn bản cụ thể
Có thể khẳng định rằng, Quyết định số 1058 phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX giai đoạn 2016 - 2020 (Đề án 1058) của Thủ tướng Chính phủ và NQ 42 của Quốc hội đã thể hiện sự thống nhất về quan điểm, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, của NHNN để tháo gỡ khó khăn cho các TCTD trong việc tái cơ cấu và XLNX của các TCTD, lành mạnh hoá hệ thống của các NH, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Nội dung của Đề án và Nghị quyết đã đi sâu vào giải quyết vấn đề cốt lõi còn tồn tại của hệ thống và mang tính thực tiễn rất cao, thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm cao của NHNN cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN và các cơ quan, bộ, ngành TW trong việc xây dựng hành lang pháp lý và các giải pháp cụ thể để triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu và XLNX.
Chúng tôi đánh giá cao những nội dung trọng tâm như xử lý căn bản, triệt để nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống với lộ trình cụ thể, có tính khả thi. Hay việc tiếp tục lành mạnh hoá hoạt động của các TCTD, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định của pháp luật, phù hợp với các thông lệ quốc tế, vấn đề nâng cao tỷ trọng hoạt động phi tín dụng trong tổng thu nhập của NH...
Thời gian qua, việc XLNX của các TCTD gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do một số nguyên nhân về hành lang pháp lý, về thái độ bất hợp tác từ phía khách hàng hoặc bên có TSBĐ của khoản nợ xấu; vướng mắc trong quá trình phối hợp giữa các cấp chính quyền, các cơ quan liên ngành trong tháo gỡ khó khăn khi xử lý thu hồi TSBĐ. NQ 42 là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong XLNX thời gian qua. Để Nghị quyết sớm được triển khai thực hiện có hiệu quả, các bộ, ban, ngành cần sớm triển khai và hướng dẫn các văn bản cụ thể theo đúng tinh thần của Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Phạm Quang Dũng |
Ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank: Muốn có hiệu quả, phải cùng vào cuộc
Nghị quyết 42 của Quốc hội và Chỉ thị 32 của Chính phủ chắc chắn sẽ tạo ra một xung lực mới trong việc XLNX của các NHTM nói chung, trong đó có Vietcombank. Tỷ lệ nợ xấu hiện mới là nợ nội bảng, còn nợ ngoại bảng cũng là một khoản rất lớn. Do đó, nếu chúng ta giải quyết được số nợ xấu này, chúng ta sẽ có hàng trăm nghìn tỷ đồng để đưa vào lĩnh vực sản xuất và hoạt động kinh tế. Mặt khác, nếu giải phóng được nguồn lực này sẽ tạo điều kiện cho các NH trong việc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng của mình.
Một khía cạnh nữa là với những cơ sở pháp lý quan trọng này, thời gian XLNX có thể rút ngắn được rất nhiều. Số lượng cán bộ NH thay vì mất thời gian cho công tác XLNX có thể phục vụ khách hàng, mở rộng hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của các DN lớn, các DN tốt.
Tôi cho rằng NQ 42 cũng như Chỉ thị 32 không hề mang lại đặc quyền nào cho NH. Thực ra đó chỉ là khuôn khổ pháp lý để NH và khách hàng có thể thực hiện cam kết ngay từ khi ký hợp đồng, tránh tình trạng khi đi vay, khách hàng cam kết thế chấp, nhưng khi NH đòi nợ thì khách hàng lại không hợp tác để NH xử lý TSBĐ. Bây giờ đã có khuôn khổ pháp lý, điều chúng tôi mong muốn là việc thực thi hiệu quả. Muốn như vậy, đây không phải là câu chuyện của riêng ngành NH, của các NHTM mà còn đòi hỏi sự hợp tác của các bộ, ban, ngành khác, các địa phương. Tất cả phải cùng chung tay, vào cuộc với ngành NH thì hiệu lực thực thi của Chỉ thị 32 và NQ 42 mới có hiệu quả. Chúng tôi mong rằng Chính phủ sẽ chỉ đạo, NHNN sẽ là đầu mối để có Ban chỉ đạo liên ngành gồm các bộ, ban, ngành liên quan cùng với NHNN 6 tháng/lần có một cuộc họp kiểm điểm, cho phép các NHTM như chúng tôi có những báo cáo thực tiễn triển khai ra sao, để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình XLNX.
Ông Từ Tiến Phát |
Ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc ACB: Thủ tục rút gọn giúp giảm thời gian kiện tụng và thi hành án
Về vấn đề XLNX, từ năm 2012 đến nay, ACB đã kiểm soát nợ xấu dưới mức 3%. Năm 2012, nợ xấu ACB ở mức 2,4% thì đến nay đã kiểm soát ở mức 1,4%. Thời gian tới, chúng tôi đang rất nỗ lực và cố gắng đưa mức đó xuống dưới 1%. Trong giai đoạn 2015 - 2016, ACB đã xử lý hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó dưới 30% bán cho VAMC. Khoảng hơn 30% nợ xấu ACB được xử lý qua tòa án và thi hành án. Chúng tôi đang thực hiện lộ trình giảm mạnh số nợ bán cho VAMC. Ngoài ra trong mô hình quản lý nợ xấu của ACB có hệ thống cảnh báo nợ sớm, đặc biệt là nợ xấu trong thời gian 90 ngày.
Trong quá trình XLNX có nhiều vướng mắc, đặc biệt khi thực hiện thủ tục thu giữ tài sản thì nhiều khi dư luận xã hội coi đó là chưa đúng về đạo đức xã hội. NQ 42 ra đời đã tạo cơ sở tháo gỡ nhiều vấn đề cho NH. Trong đó chúng tôi thấy có ba điểm nổi bật. Thứ nhất, ngăn chặn hành vi chuyển nhượng TSBĐ. Thứ hai, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thu giữ TSBĐ. Và thứ ba là rút gọn thủ tục trong quá trình xử lý tranh chấp TSBĐ.
Ông Trần Phú Dũng |
Ông Trần Phú Dũng, Giám đốc BIDV Đắk Lắk: Xác định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của khách hàng
Thời gian qua, Chi nhánh BIDV Đắk Lắk đã rất quyết liệt trong thu hồi nợ xấu và áp dụng các biện pháp linh hoạt để thu hồi nợ tùy vào khách hàng, tùy khoản nợ và từng thời điểm. Ví dụ có những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời với khách hàng có thiện chí trả nợ. Hoặc kiên quyết khởi kiện với khách hàng thiếu thiện chí trong việc trả nợ vay.
Tuy nhiên, trong vấn đề khởi kiện thi hành án, quá trình XLNX cũng gặp khó khăn, do luôn bị kéo dài trung bình từ 2 năm kể từ khi khởi kiện mới bán được tài sản. NH phải trải qua nhiều khâu và thủ tục mà chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chính quyền địa phương.
Đơn cử, khi bán tài sản thì nhiều cơ quan đăng ký tại địa phương không đồng ý sang tên do chủ tài khoản không ký tên trong hợp đồng chuyển nhượng mà lại là NH. Việc xử lý tài sản là bất động sản gặp nhiều khó khăn bởi việc chuyển đổi tài sản là dự án bất động sản phải do chủ đầu tư thực hiện. Nếu chủ đầu tư không hợp tác, NH chỉ còn cách khởi kiện, thủ tục thi hành án kéo dài khiến NH tốn thời gian và chi phí.
Khi Quốc hội thông qua NQ 42 đã có tác động lớn đến các chủ thể liên quan tới quá trình vay vốn và XLNX, khẳng định rõ quyền của NH và người cho vay cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của khách hàng, để khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, giảm nguy cơ phát sinh nợ xấu ngay từ đầu. Từ đó hạn chế việc kéo dài XLNX.
Nghị quyết đã thực sự tạo hành lang pháp lý cho NH như quyền thu giữ TSBĐ, chuyển nhượng dự án để tòa thực hiện các thủ tục rút gọn trong xét xử các tranh chấp, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án. Đây là điều nhiều NH mong chờ. Nghị quyết mang ý nghĩa rất lớn, như không được trích tiền bán tài sản của NH để thu nợ thuế, xác định trách nhiệm của các cán bộ để xảy ra nợ xấu và trách nhiệm của cán bộ xử lý khoản nợ. Mặc dù giá trị thu nợ có thể nhỏ hơn khoản vay gốc.