Nhiều nỗ lực trong cổ phần hoá
Cổ phần hóa DNNN: Thách thức thu hút vốn ngoại | |
Cổ phần hóa DNNN chỉ đạt 90% kế hoạch | |
Chính phủ thúc tiến độ cổ phần hóa DNNN |
Việc cổ phần hóa DNNN năm 2016 đã không còn hối hả như năm 2015. Tính đến 20/8/2016, có 48 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa, con số này chỉ tương đương 21,6% kết quả thực hiện của năm 2015.
Tuy nhiên, mức độ phê duyệt như vậy là phù hợp với mục tiêu cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 là chỉ khoảng 250-280 DN, bằng 1/2 giai đoạn 2011-2015.
Việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng duy trì ổn định so với năm trước, đồng thời tỷ lệ thành công có cải thiện (tăng từ 45% lên 75%). Như vậy, sự quan tâm của NĐT đối với các DNNN đang được cải thiện. Đặc biệt, với những tổng công ty (TCT máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam, TCT dược Việt Nam, TCT Viglacera, TCT Chăn nuôi…), giá trị cổ phần bán được trong 8 tháng đầu năm tại các phiên đấu giá cũng tăng hơn 60% so với thực hiện của cả năm 2015.
Tiến độ cổ phần hóa ổn định, nhưng những kỳ vọng của NĐT về tái cơ cấu DNNN có lẽ chưa được đáp ứng trọn vẹn. Tốc độ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước ở những DN lớn và có vị thế chưa thực sự tốt. Bên cạnh đó là sự minh bạch và cải thiện của DN sau cổ phần hóa; việc sở hữu Nhà nước không thực sự được thu hẹp. Đến thời điểm này, một trong những cái tên được chờ đợi là Mobifone, tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa của DN này cũng có nguy cơ phải chậm lại.
Điểm nổi bật nhất trong thời gian qua là việc nới room cho NĐT nước ngoài tại Vinamilk, tạo đà cho việc thoái vốn Nhà nước tại DN số 1 trên sàn chứng khoán Việt Nam này. Tuy nhiên, với cách tiến hành và tốc độ hiện tại, việc bán vốn Nhà nước sở hữu tại Vinamilk có thể sẽ mất thêm một vài năm nữa.
Mới đây, Chính phủ tuyên bố sẽ tích cực bán vốn Nhà nước tại Habeco và Sabeco. Việc yêu cầu niêm yết hai DN dẫn đầu trong ngành bia này trước khi thực hiện thoái vốn Nhà nước sẽ là câu chuyện được nhiều NĐT quan tâm, cũng là một trong những nỗ lực mới nhất của Chính phủ mới nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN một cách thực chất.
Dự kiến toàn bộ vốn Nhà nước tại Habeco (khoảng 9.000 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ sở hữu 81,79%) sẽ được thoái trong năm 2016. Trong khi đó, lộ trình thoái vốn tại Sabeco sẽ chia ra làm 2 đợt: Đợt 1 thoái 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.500 tỷ đồng trong năm 2016; Đợt 2 sẽ thoái tiếp 36% còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017.
Như vậy, không cần chờ đợi bán vốn ở Vinamilk, Nhà nước có thể thu được ít nhất 25.000 tỷ đồng trong năm nay, một nguồn thu đáng kể bổ sung vào ngân sách và giảm áp lực tài khóa. Tuy thế, khả năng thực hiện được điều này, theo giới phân tích vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.