Cổ phần hóa doanh nghiệp sẽ không ngừng nghỉ
Cổ phần hóa tạo ra sức sống mới cho một bộ phận các doanh nghiệp nhà nước |
Lấp lánh những gam màu sáng
Kể từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp đang trong quá trình cổ phần hóa vẫn hoàn thành chỉ tiêu về lợi nhuận và doanh thu. Có thể kể đến như Viglacera đã hoàn thành chỉ tiêu về lợi nhuận và doanh thu đến hết quý III/2023; HUD đã hoàn thành Đề án tái cấu trúc, kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm và quy chế tài chính; LILAMA cũng đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn và cơ bản hoàn thành Đề án tái cơ cấu cùng kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm…
Một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã làm ăn có lãi, đóng góp cho ngân sách và tạo nhiều việc làm như Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) đạt doanh thu đạt xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 1.300 tỷ đồng sau thời gian thực hiện phương án cổ phần hóa theo hình thức kết hợp bán bớt phần vốn nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trong 10 tháng năm 2023, thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp (trong đó 3 doanh nghiệp theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg, 1 doanh nghiệp theo Thông báo số 281/TB-VPCP) đạt 8,8 tỷ đồng, thu về 19 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.
Đánh giá cao hiệu quả đạt được trong thời gian qua, nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng nhấn mạnh, hiện số lượng doanh nghiệp còn chưa cổ phần hóa đã giảm sâu. Đặc biệt, tiến trình cổ phần hóa đã tạo ra sự thay đổi trong nhận thức xã hội về doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã làm ăn rất hiệu quả, tạo ra một “làn sóng” thu hút đầu tư xã hội hóa từ khu vực tư nhân, tạo ra một sức sống mới cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp cũng có lúc trầm lắng. Số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm về căn bản, song mới giảm khoảng 10% tổng tài sản do khối doanh nghiệp này nắm giữ. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp còn chậm; chất lượng thông tin, chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước chưa tạo sự tin cậy cho nhà đầu tư.
Vượt thách thức, đẩy nhanh tiến độ
Về thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, những lúng túng trong xử lý các vấn đề pháp lý về đất đai, về quyền sở hữu tài sản vô hình, các báo cáo về tài chính… dẫn đến nhiều hệ lụy, khiến việc cổ phần hóa bị chậm trễ.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, đó còn là những tác động do các bất ổn của thị trường tài chính trong nước và quốc tế; nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, còn tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…
Vì thế, các chuyên gia khuyến nghị, việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về định giá đất là vấn đề bức thiết, nhằm thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đi đúng định hướng và chống thất thoát ngân sách nhà nước.
Để đẩy nhanh tiến độ và chất lượng của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh đến 2 việc cần làm. Đó là buộc doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, những doanh nghiệp thua lỗ phải phá sản; công tác quản trị doanh nghiệp nhà nước phải tuân theo chuẩn mực toàn cầu, khi đó thông tin được minh bạch, nhà đầu tư dễ dàng bỏ vốn vào doanh nghiệp hơn. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn...