Những “mỏ vàng” để mở rộng cơ sở thuế
Giảm thuế để doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn lên | |
Áp lực nào từ giảm thuế nhập khẩu? | |
Hàng chục nghìn dòng thuế sẽ giảm về 0% |
DN FDI: miễn thuế 35.000 tỷ đồng, nộp thuế 37.000 tỷ đồng
Cho dù mọi dự báo đều tin tưởng tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước sẽ tiếp tục tốt lên, nhưng rủi ro tiềm ẩn cũng khá lớn và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh trong nước và cũng có những tác động nhất định đến tình hình xuất nhập khẩu. 2018 là năm bắt đầu thực hiện một số hiệp định thương mại tự do lớn, hàng chục nghìn dòng thuế sẽ giảm về 0% chắc chắn sẽ làm giảm nguồn thu thuế từ thuế xuất nhập khẩu.
Từ 1/1/2018 Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ 10 FTA. Theo đó, đếm về số lượng, có hàng nghìn dòng có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt và có tới chục nghìn dòng thuế sẽ giảm thuế suất về 0%.
Cần sớm ban hành hệ thống các luật thuế và các chính sách kế toán đơn giản, phù hợp với DN siêu nhỏ, DNNVV |
“Nguồn thu do thuế nhập khẩu giảm sẽ gây áp lực lên NSNN. Nói cách khác, Việt Nam có nguy cơ không thực hiện được các mục tiêu như giảm thâm hụt ngân sách cũng như giảm nợ công”, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Đây chính là một trong số những rủi ro được tiên liệu cho năm 2018.
Nhưng ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, phạm vi số dòng thuế giảm thuế suất không lớn và ảnh hưởng rất ít đến thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu. Nhìn tổng thể, chỉ khoảng 5% dòng thuế có thay đổi về thuế suất. Dự toán thu NSNN 2018 đã tính toán tác động này.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói rằng: “Chúng ta đã hội nhập kinh tế quốc tế từ hơn 10 năm nay và từ năm 2007 khi chính thức là thành viên của WTO, Việt Nam đã bắt đầu cắt giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu. Hàng loạt thuế suất cũng được cắt giảm theo các cam kết ASEAN và các hiệp định khác… Bộ Tài chính đã tính toán tác động và đã thể hiện trong dự toán ngân sách hàng năm".
Thứ trưởng phân tích, năm 2017, tỷ lệ động viên từ thuế và phí năm 2017 đạt 25,6% so với GDP là tỷ lệ thấp. Trong thu ngân sách, thuế nhập khẩu chỉ chiếm 4,7% nên nguy cơ giảm thu từ thuế nhập khẩu không phải nguy cơ của NSNN. Nhưng “nguy cơ của NSNN và rủi ro của bội chi và nợ công đến từ quản trị tài chính, quản lý vốn Nhà nước tại DN, là hiệu quả hoạt động của DNNN kém, là những ưu đãi thuế bất hợp lý đối với khu vực FDI và khu vực kinh tế phi chính thức còn lớn”, theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn.
Nói về nguy cơ từ quản trị tài chính và vốn Nhà nước tại DN, Thứ trưởng nói rằng, sau khi ra Luật Quản lý vốn Nhà nước tại DN được ban hành năm 2015 đã mang lại hy vọng quản trị DN sẽ hướng đến công bằng, công khai, minh bạch với các thành phần khác. Tuy nhiên, trên thực tiễn thực hiện “vẫn còn nhiều thiếu sót”.
Nguy cơ thứ hai là nguy cơ của tình trạng “chi thuế”, nói cách khác là các ưu đãi không hợp lý dành cho khối FDI đã tích tụ 2 năm nay. Báo cáo về phí thuế ưu đãi đối với khu vực FDI cho biết trong khi thuế thu nhập phổ thông là 20% nhưng do DN trong thời gian ưu đãi nên thuế suất DN FDI phải nộp chỉ là 10,2%. Số thuế này DN FDI đã nộp năm 2017 chỉ hơn 37 nghìn tỷ đồng, số thuế được miễn giảm lên đến 35 nghìn tỷ đồng.
Nguy cơ thứ ba khu vực kinh tế phi chính thức vẫn phát triển mạnh và tình trạng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế vẫn lớn.
Cải cách hành chính thuế DN hưởng lợi hàng trăm nghìn tỷ đồng
Để giải quyết các vấn đề trên, Thứ trưởng cho biết biện pháp căn cơ là sớm ban hành hệ thống các luật thuế và các chính sách kế toán đơn giản, phù hợp với DN siêu nhỏ, DNNVV, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển để trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế theo tinh thần Nghị Quyết TW 5. Ngành Tài chính và cơ quan thuế các cấp đã bước đầu ban hành và thực hiện các quy định pháp luật về chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu.
“Chính phủ đã đồng ý để Bộ Tài chính trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn Chống xói mòn nguồn thu”, Thứ trưởng cho biết.
Thay vì tăng thuế suất, chính sách thuế sẽ tiếp tục được sửa đổi và hoàn thiện theo hướng thay vì mở rộng cơ sở thuế và đối tượng tính thuế tập trung vào nhóm thuế liên quan đến bảo vệ môi trường để khuyến khích kinh tế xanh. Ngành Thuế sẽ xây dựng các loại thuế liên quan đến tài sản để đảm bảo được hai mục tiêu là khuyến khích sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo được công bằng xã hội và tính thuế hợp lý.
“Việc thực hiện hóa đơn điện tử và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thực hiện đề án không dùng tiền mặt trong nền kinh tế sẽ là biện pháp hiệu quả để chống thất thu từ khu vực kinh tế phi chính thức. Kinh nghiệm thế giới cho rằng đây là 2 điều hết sức quan trọng”, Thứ trưởng cho biết.
Còn người đứng đầu ngành Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - Bùi Văn Nam cho biết: cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện để các DN phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu vững chắc, lâu dài cho NSNN.
Ngành Thuế sẽ triển khai nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra năm 2018 theo đó, sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra DN thuộc các lĩnh vực có rủi ro cao, các DN hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua đường biên giới đất liền, các DN được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, DN có hoạt động liên kết, DN lỗ có dấu hiệu chuyển giá. Các DN kinh doanh thương mại điện tử, các DN có phát sinh thuế nhà thầu và các hoạt động chuyển nhượng vốn...
Thủ tướng Chính phủ cũng từng nhấn mạnh: quan điểm chủ đạo là phải coi trọng việc mở rộng cơ sở thuế kết hợp với việc điều chỉnh thuế suất theo lộ trình phù hợp, không gây ảnh hưởng đến thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử… mà cụ thể là các loại hình Uber, Grab, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng Facebook… Đây là những “mỏ vàng” để mở rộng cơ sở thuế nhưng chúng ta chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tập trung đưa nhanh vào áp dụng hóa đơn điện tử trong nền kinh tế, kết hợp với cơ chế khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.
Thủ tướng đánh giá cải cách hành chính về thuế đã tiến được một bước rất dài, chỉ số nộp thuế theo xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đã tăng mấy chục bậc nên người dân và DN hưởng lợi hàng trăm nghìn tỷ đồng với cải cách quan trọng này.
Tuy nhiên, không được say sưa với thành công này mà phải tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy nhanh hơn nữa điện tử hóa tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành như cấp mã số thuế điện tử, các thủ tục trước bạ ô tô, nhà đất đều điện tử… tiếp đến kiểm tra điện tử, thanh tra điện tử. Phải làm cho người dân và DN hưởng lợi nhiều hơn nữa quá trình cải cách hành chính về thuế.