Giảm thuế để doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn lên
Dự thảo sửa đổi Luật thuế của Bộ Tài chính: Hàng loạt DN sẽ được giảm thuế | |
Trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về việc miễn giảm thuế và hỗ trợ vốn | |
Hiệu ứng giảm thuế |
Các phương án tính toán cụ thể để giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với DNNVV đã được Bộ Tài chính tính toán cụ thể và đưa vào Luật sửa đổi 5 luật thuế, được trình ra mới đây. Việc giảm thuế nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DNNVV ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Chính sách này đã được cộng đồng DN mong chờ lâu nay, tuy nhiên mức thuế suất áp dụng và tiêu chí xác định quy mô DN để áp thuế còn đang gây nhiều tranh cãi.
Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính cho biết, đã có đề xuất quy định DNNVV được giảm thuế suất phổ thông theo 2 phương án. Thứ nhất, DN nhỏ áp dụng mức 17%; DN siêu nhỏ áp dụng thuế suất 15%. Trong đó, tiêu chí xác định DNNVV được hưởng thuế suất ưu đãi chỉ áp dụng đối với DN nhỏ, DN siêu nhỏ như đang nêu tại Luật Hỗ trợ DNNVV, không áp dụng mức thuế suất 17% đối với DN vừa.
Thực hiện theo phương án này số giảm thu ngân sách khoảng 2.584 tỷ đồng/năm, tuy nhiên chưa phù hợp với hầu hết các nước có chính sách giảm thuế TNDN cho DNNVV. Bên cạnh đó, nếu áp dụng thuế suất ưu đãi cho cả DN vừa theo tiêu chí tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân năm tại Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ ảnh hưởng lớn đến ngân sách nhà nước, cụ thể là làm giảm thu ngân sách khoảng 5.168 tỷ đồng/năm.
Phương án hai, áp dụng một mức thuế suất 17% đối với DNNVV, trong đó xác định tiêu chí DNNVV như quy định tại Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH13 nhưng nâng mức doanh thu làm căn cứ xác định DNNVV từ không quá 20 tỷ đồng/năm tại luật hiện hành lên 50 tỷ đồng/năm. Thực hiện theo phương án này có ưu điểm là phù hợp với thực tế cũng như kinh nghiệm của các nước, đồng thời số giảm thu ngân sách sẽ chỉ vào khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.
Theo đó, để được áp dụng chính sách giảm thuế suất thuế TNDN thì DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa đều phải đáp ứng tiêu chí chung là có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng một trong hai tiêu chí là nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, hoặc tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Ưu điểm khác của phương án này là không phân biệt DN theo ngành, lĩnh vực hoạt động. Bởi theo Bộ Tài chính, hiện nay DN tư nhân có xu thế kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực.
Chốt lại, Bộ Tài chính đề nghị quy định với DN siêu nhỏ (là DN có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 15%; DNNVV (là DN có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 17%.
Các chuyên gia đánh giá, phương án của Bộ Tài chính đưa ra là khá phù hợp vì đã đảm bảo nguyên tắc mức giảm không gây sốc đối với ngân sách so với mức hiện tại, đồng thời phù hợp với các cam kết hội nhập.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, chỉ các DN có lợi nhuận mới được hưởng lợi trực tiếp từ quy định này. Vì vậy nếu theo số liệu thống kê thực tế thì không phải toàn bộ lực lượng DNNVV, mà chỉ có khoảng 50% số này được hưởng lợi từ chính sách. Vì vậy, việc giảm mức thuế suất thuế TNDN với DNNVV ở mức đề xuất này là hợp lý để vừa nâng cao năng lực tài chính, khả năng sinh lời của các DNNVV, vừa không ảnh hưởng đến nguồn thu thuế TNDN trong dài hạn.
Bên cạnh đó, đặt trong tương quan so sánh với mức chung của các nước khác, Bộ Tài chính khẳng định việc giảm thuế suất thuế TNDN cho các DNNVV là phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Ví dụ Trung Quốc áp dụng thuế suất ưu đãi đối với DN nhỏ là 20% trong khi thuế suất phổ thông là 25%, riêng giai đoạn 2015-2017, DN có thu nhập chịu thuế thấp còn được áp dụng thuế suất thấp hơn.
Tương tự, ở Thái Lan mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20% nhưng các DNNVV cũng được áp dụng thuế suất ưu đãi ở mức thấp hơn. Cụ thể trong giai đoạn 2016 - 2017, tùy theo mức thu nhập đạt được, DN có thu nhập chịu thuế từ 300.000 baht trở xuống được miễn thuế; DN có thu nhập chịu thuế lớn hơn 300.000 baht được áp dụng thuế suất 10%...
Ngoài ra, để tránh các trường hợp DN thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên, dự thảo luật quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với DN là các công ty có quan hệ liên kết mà một DN nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN kia trở lên.