Niềm tin vào văn hóa đọc
Nhiều bạn sinh viên đã đọc, sưu tầm và từng ngày làm giàu có thêm kho tàng sách của gia đình. Điều đó cho thấy chúng ta có quyền đặt hy vọng vào sự khởi sắc, khi mà từng ngày, những giá trị của sách báo vẫn được bảo lưu trong đời sống hiện đại. Phóng viên có cuộc trao đổi với nhà sưu tầm sách báo cũ Tạ Thu Phong về vấn đề này.
Nhà sưu tầm sách báo cũ Tạ Thu Phong |
Được biết nhà sưu tầm Tạ Thu Phong có một gia tài sách báo cũ, cổ khổng lồ. Điều gì đã thôi thúc anh sưu tầm sách, báo cũ? Anh có nhắn gửi gì đối với những bạn trẻ đang có hướng sưu tầm?
Bản thân tôi là người yêu sách và thích đọc sách nên những lúc rảnh rỗi tôi thường lang thang ở các hiệu sách cũ. Qua thời gian, tủ sách trong nhà dần nhiều lên. Nhưng con đường đến với việc sưu tầm chuyên nghiệp lại rất tình cờ.
Một lần, tôi đi ngang qua khu vực tập kết đồ cũ đồng nát giấy vụn tôi thấy người ta xé từng cuốn sách cũ để phân loại giấy, tôi thấy rất tiếc bèn dừng lại mua toàn bộ số sách đó. Về nhà phân loại thấy rất nhiều cuốn sách quý. Từ đó tôi nảy ra ý tưởng sắp xếp các cuốn sách theo từng chủ đề và từng chủng loại để bảo quản. Con đường sưu tầm sách, báo của tôi bắt đầu như vậy đó.
Để trở thành nhà sưu tầm sách báo chuyên nghiệp, tôi đã phải trả giá khá nhiều cả về thời gian và tài chính để tìm ra con đường sưu tầm riêng cho mình. Đối với các bạn trẻ đang có hướng sưu tầm, tôi xin có lời khuyên rằng trước khi mua một cuốn sách thì cần lắng nghe cảm xúc của mình, cần hiểu mua cuốn sách đó để làm gì và mình hiểu gì về cuốn sách đó. Hãy đến với sách bằng tình yêu thực sự chứ đừng chạy theo xu thế chơi sách như một thứ “mốt” vừa tốn tiền lại vừa nhanh chán.
Có rất nhiều vất vả đối với một nhà sưu tầm. Người sưu tầm sách cũng không ngoại lệ. Xin anh chia sẻ những điều đã trải qua.
Tôi thường rong ruổi đến các hàng đồng nát tập kết giấy báo ở Hà Nội, Bắc Ninh, làng sản xuất giấy thủ công; lang thang các cửa hàng sách cũ dọc đường; rồi tìm đến các đợt thanh lý của các tủ sách gia đình, các vụ rao bán của các nhà sưu tầm để mua. Tuy nhiên, để mua được một tờ báo cũ quý hiếm rất khó khăn, phải nói là cần một chữ duyên nữa.
Có người nói, việc sưu tầm giống như việc đãi cát tìm vàng, trong vô vàn những ngày không thấy gì, bỗng nhiên ta òa lên vì tìm được đá quý. Có sách, báo cũ rồi, việc bảo quản cũng vô cùng gian nan, bởi khí hậu nước ta khắc nghiệt. Do đó ngoài chi phí cho sưu tầm, tôi phải thường xuyên kết hợp nhiều biện pháp, giúp chúng tránh ẩm mốc, mối mọt.
Hẳn là anh cũng phải thường xuyên giao lưu với bè bạn và khách khứa đam mê sách?
Tôi chủ yếu sưu tầm chứ không mấy khi bán. Còn nhà tôi, không gian sách đó cũng luôn có khách đến thăm, đọc, tham khảo. Đó là cách tôi giao lưu với anh em bè bạn. Mỗi cuốn sách, tờ báo cổ đều có một số phận, và tôi muốn mọi người được chia sẻ về những số phận ấy.
Tri thức từ sách vở là vô bờ bến. Theo anh, sách cũ có tầm quan trọng thế nào đối với giới trẻ?
Không chỉ sách cũ mà bất kỳ cuốn sách tử tế nào đều rất quan trọng với bạn đọc. Nhưng sách cũ luôn có tiếng nói riêng của mình. Qua những cuốn sách cũ bạn có thể lắng nghe được tiếng rì rầm của từng thời kỳ lịch sử trên chất liệu giấy in, cách sắp xếp các con chữ, mẩu giấy “đính chính” hay sự phát triển của ngôn ngữ tiếng Việt thông qua cách hành văn.
Bản thân sách cũ, đặc biệt là các tờ báo xưa cũng đã là một họa phẩm tuyệt tác của các danh họa thời trước rồi. Mỗi lần cầm trên tay cuốn sách cũ, bạn sẽ có cảm giác như đang cầm quá khứ của một ai đó. Và đó chính là điều đặc biệt mà sách - báo cũ mang lại cho bạn đọc.
Thưa anh, với việc sở hữu trên 10.000 số báo và hơn 1.000 đầu báo và trải qua bao gian nan vất vả, anh thấy mình “được” gì nhất?
Được nhiều chứ, cái được lớn nhất là tôi đang sở hữu một kho tư liệu vô cùng quan trọng có tính thời sự rất cao trong từng giai đoạn của lịch sử. Cái được thứ hai là tôi đã phần nào bảo tồn và gìn giữ được những tờ báo mà đáng lẽ nó đã bị hủy hoại bằng việc nấu giấy vụn. Tôi thì luôn tin rằng mỗi tờ báo đều có một thân phận và tôi cố gắng “cứu” chúng, càng nhiều càng tốt (cười).
Cái “được” thứ ba là qua việc sưu tầm, kiến thức của tôi được bổ sung đáng kể, các tờ báo giúp tôi hiểu hơn về lịch sử phát triển của báo chí tiếng Việt và những điều khác mà trước đây tôi chưa từng biết đến.
Nước ta cũng không thiếu những nhà sưu tầm có tiếng. Sở hữu kho sách báo cũ nhiều như vậy, ở Việt Nam ta, anh nể người sưu tầm nào nhất, vì sao ạ?
Tôi tin rằng có rất nhiều người đang làm “nhiệm vụ” sưu tầm sách báo một cách hoàn toàn tự nguyện xuất phát từ tình yêu với sách báo vô bờ bến. Tôi cũng có kết giao với nhiều nhà sưu tầm để cùng nhau trao đổi, thảo luận về những cuốn sách, tờ báo cũ.
Trong hạn hẹp nhận thức và quan hệ của mình tôi không thể biết hết những “cao nhân” ẩn danh, nhưng có những nhà sưu tầm tôi rất kính nể cả về hiểu biết và tư liệu họ có trong tay như cụ Phan Trác Cảnh ở Hà Nội, anh Hoàng Minh, bạn Vũ Hà Tuệ ở Sài Gòn, bạn Trịnh Hùng Cường ở Bắc Ninh.
Thưa anh, việc nhiều người trẻ hiện nay sưu tầm sách cũ. Trong các đợt mở bán, đại hội sách cũ, nhiều bạn trẻ chen chân mua sách cũ. Hiện tượng đó nói lên điều gì ạ?
Vâng, đó là tin vui, rất vui đối với cá nhân tôi. Ít nhất chúng tôi - những nhà sưu tầm sách báo cũ không cảm thấy đơn độc. Tôi đã từng chứng kiến và mỉm cười khi thấy các khuôn mặt trẻ măng nhễ nhại mồ hôi chen chúc lật tìm những cuốn sách cũ.
Các bạn trẻ đó khiến tôi thấy các cuốn sách cũ thêm giá trị và công việc mình làm dường như ý nghĩa hơn. Một điều nữa khiến tôi thấy rất mừng là trong thời đại công nghệ số thì văn hóa đọc truyền thống đang dần được khôi phục một cách âm thầm nhưng mạnh mẽ. Thành thật xin cảm ơn các bạn trẻ.
Xin cảm ơn anh Tạ Thu Phong!