Nỗi lo hải sản rớt giá
Ảnh minh họa |
Trên âu thuyền cảng cá Thọ Quang, nằm trên địa bàn quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng), gần đây nhiều tàu thuyền cập bờ mang về một số lượng lớn hải sản các loại. Bởi, mùa này biển êm, ít sóng gió nhiều tàu vươn khơi đánh bắt xa bờ ở các ngư trường Hoàng Sa hay Trường Sa... Cứ như một thông lệ, nguồn hải sản đổ về nhiều thì giá thu mua của các đầu nậu lại sụt giảm.
Ông Trần Thanh Hải, chủ tàu cá tàu QNg 9486-TS ở Quảng Ngãi cho biết, chuyến đi biển vừa rồi tàu khai thác được trên 30 tấn hải sản các loại, chủ yếu là cá đuối, cá mú, ghẹ đỏ, mực nang… Tuy nhiên, niềm vui đánh bắt được nhiều ngắn chẳng tày gang, bởi vừa cập bến giá thu mua hải sản những ngày qua bị đẩy xuống quá thấp khiến cả chủ tàu lẫn chủ thuyền đều điêu đứng.
Tính ra, mỗi chuyến ra khơi khoảng 20 chục ngày chủ tàu phải vay mượn để mua xăng dầu, lương thực, nước sạch... lên đến hàng trăm triệu đồng. Về bờ, nếu hải sản xuống thấp càng đi biển dài ngày càng lỗ. Thực tế, giá các hải sản ở Thọ Quang có nhiều thời điểm xuống rất thấp. Đơn cử như, cá nục chỉ khoảng 8 đến 10 nghìn đồng/kg, cá ngừ nhỏ từ 15 đến 17 nghìn đồng/kg, cá ngừ đại dương chỉ xấp xỉ 50 nghìn đồng/kg.
Không chỉ riêng tại Đà Nẵng, ở một số địa phương lân cận như Quảng Nam hay Quảng Ngãi giá các loại hải sản cũng đang có chiều hướng sụt giảm. Đơn cử như tại Quảng Ngãi, mặc dù từ đầu năm 2017 đến nay sản lượng khai thác hải sản của bà con ngư dân địa phương tăng cao so với mọi năm, đạt trên 80 nghìn tấn.
Ngư dân Nguyễn Thanh Hồng chủ tàu cá QNg 93113 TS ở TP. Quảng Ngãi cho biết, thời điểm này năm trước, giá cá nục ở vào khoảng 18 nghìn đồng/kg, nhưng năm nay bà con chỉ bán được từ khoảng 10 nghìn đồng/kg. Không chỉ cá nục rớt giá, mà theo ngư dân, hầu hết các loại cá đều rớt giá thê thảm.
Theo nhiều bà con ngư dân ở miền Trung, việc giá các loại hải sản trên thị trường sụt giảm do sự chi phối của các đầu nậu. Biết bị chi phối, song bà con rất khó để có thể thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này. Bởi, thông thường trước khi xuất bến hầu hết các chủ tàu đều phải đến các chủ nậu để ứng trước tiền phí tổn. Số tiền này lên đến hàng trăm triệu đồng, dùng để mua xăng dầu, lương thực thực phẩm cho các chuyến đi biển dài ngày.
Khi về đến bờ, ngư dân phải bán lại hải sản cho đầu nậu. Mức giá cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào các đầu nậu đưa ra. Bởi vậy, hải sản càng về nhiều giá thu mua của các đầu nậu lại càng rẻ mạt... Đặc biệt, các chủ đầu nậu này thường liên kết chặt chẽ với nhau. Nếu chủ tàu không bán cho chủ đầu nậu đã vay tiền trước đó, thì không thể bán cho chủ đầu nậu nào khác.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá TP. Đà Nẵng từng chia sẻ, vấn đề tiêu thụ sản phẩm, chất lượng sản phẩm cùng cơ chế cho hải sản chính là đất sống màu mỡ của đầu nậu. Bởi vậy, đã đến lúc việc hỗ trợ ngư dân không thể dừng ở việc cho vay vốn đóng tàu to, máy lớn mà đi cùng với đó là phải giải quyết được các dịch vụ hậu cần, rồi chuyện bao tiêu sản phẩm cho bà con...