Bình Thuận: Tắc đầu ra, hải sản rớt giá mạnh
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận, sản lượng khai thác hải sản 7 tháng đầu năm 2021 đạt 122.533 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sản lượng từ tháng 8 đã giảm mạnh, ước đạt 14.800 tấn, chỉ bằng 60% so với cùng kỳ. Ngoài ra, các hoạt động dịch vụ hậu cần như sửa chữa tàu, cung cấp ngư lưới cụ, nước đá, cũng đóng cửa hoặc cầm chừng, giá thu mua giảm sâu…
Tại cảng cá Phan Thiết (Bình Thuận), nhiều ghe vào bờ đầy ắp cá nhưng ngư dân chần chừ không muốn bán vì giá thu mua đã giảm 50% so với giá thương lái đã đặt lúc đang đánh bắt. Một ngư dân phường Phú Tài, TP. Phan Thiết cho biết, trong lúc ghe đang chạy vào, nhiều nơi chào giá loại cá sòng khoảng 30.000 đồng/kg, cá nục từ 20.000 đến 50.000 đồng/kg tùy kích cỡ… Nhưng khi ghe tàu vào đến cảng, tất cả đều rớt chỉ còn 50% giá ban đầu.
Giá hải sản giảm sâu khiến ngư dân lao đao |
Ngư dân cho biết trước đây việc mua bán dễ dàng không chỉ tại cảng, mà còn ở ngoài khơi. Các ghe tàu lớn chạy ra tận ngoài khơi thu mua nên tiết kiệm được khoảng chi phí nhiên liệu chạy vào. “Bây giờ họ không ra thu mua như vậy nữa nên mình phải chạy vào bờ bán, chứ để lâu là hư hết cá” một ngư dân lý giải. Hơn nữa, TP. Phan Thiết lại đang thực hiện giãn cách xã hội, nhiều tiểu thương ở các chợ ngừng buôn bán, việc thu mua gặp ách tắc… Hiện tại, chỉ có các vựa lớn mua để trữ đông nên phải phụ thuộc giá ở các cơ sở này.
Ông Đỗ Văn Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Bích Thanh (vựa thu mua lớn nhất cảng Phan Thiết) cho biết, do khó khăn đầu ra nên vựa mua chủ yếu là trữ đông. Các thị trường lớn là TP.HCM và các tỉnh miền Đông đang thực hiện giãn cách nghiêm ngặt nên phần lớn bạn hàng đã ngưng buôn bán. Theo ông Thanh, do công ty có nhiều kho lạnh nên cố gắng tích trữ cho ngư dân. Dù hiện tại xe của công ty chạy đi khắp nơi từ Vũng Tàu, Khánh Hòa, Phú Yên để tìm kho lạnh trữ đông nhưng việc này chắc cũng chỉ cầm chừng, vì hàng từ biển đang vào tấp nập mỗi ngày, có ngày cả trăm tấn cá, các kho sẽ quá tải.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, áp dụng Chỉ thị số 16, công tác kiểm soát tàu thuyền ra, vào cảng được thực hiện chặt chẽ, gắn với các biện pháp phòng chống dịch. Cảng cá La Gi thực hiện phong tỏa, đóng cửa từ 24/7/2021, các cảng cá Phan Thiết và Phú Hải áp dụng biện pháp cấm tàu cá từ các địa phương vùng dịch nên số lượng tàu cá cập cảng, sản lượng qua cảng giảm mạnh, chủ yếu là số tàu cá của ngư dân địa phương. Thống kê tại 3 cảng cá là La Gi, Phú Hải, Phan Thiết, số lượt tàu cập cảng giảm từ 96 lượt/ngày xuống còn 29 lượt/ngày (giảm 69,8%) và sản lượng qua cảng giảm từ 371 tấn/ngày xuống còn 51 tấn/ngày (giảm 86,3%).
Ngoài việc sản lượng hải sản cập bến tiêu thụ giảm, giá thu mua các mặt hàng thủy sản cũng giảm tùy theo chủng loại so với thời điểm trước giãn cách. Cụ thể tại Cảng cá Phan Thiết, giá thu mua mực trứng giảm từ 130.000đ/kg (thời điểm trước dịch) xuống còn 90.000đ/kg; mực nang lớn giảm từ 100.000 đ/kg xuống còn 80.000 đ/kg; cá mú tươi từ 140.000đ/kg xuống còn 80.000 đ/kg; cá mó từ 40.000đ/kg xuống còn 20.000 đ/kg…
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, các địa phương trên cả nước cũng như tỉnh Bình Thuận đang tăng cường các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay. Trong quá trình này, hoạt động sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm thủy sản, nhất là trong thời điểm vụ cá Nam, mùa vụ chính của ngư dân sẽ chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị để có chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thủy sản, tàu cá nghề dịch vụ thủy sản; ngành Ngân hàng có giải pháp hỗ trợ vay vốn tín dụng, gia hạn nợ để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản về vốn lưu động để duy trì hoạt động, ổn định sản xuất; có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các ngư dân, lao động biển bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để ổn định cuộc sống.
Trước tình hình khó khăn của ngư dân, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo: “Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công thương, Sở Giao thông - Vận tải và các sở ngành địa phương vùng biển khẩn trương nghiên cứu và đề xuất các biện pháp cụ thể, tham mưu phương án hỗ trợ tiêu thụ để có giá cả hợp lý không bị tồn ứ hàng trong thời gian dịch bệnh trình UBND tỉnh xem xét”.