Nông dân khốn khó vì hồ tiêu
Thế bí của người trồng hồ tiêu
Mấy năm gần đây, hàng ngàn nông hộ trồng hồ tiêu tại khu vực Tây Nguyên phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến cực đoan khiến cho cây hồ tiêu nhiễm bệnh trên diện rộng, dẫn đến chết hàng loạt. Cùng với đó, giá hồ tiêu trên thị trường rơi tự do, xuống thấp hơn giá vốn sản xuất. Hiện giá thị trường chỉ dao động quanh mức 42 ngàn đồng/kg hồ tiêu khô. Tất cả những yếu tố này đã làm cho người trồng tiêu lao đao.
Câu chuyện buồn về cây hồ tiêu ban đầu xuất phát từ thủ phủ hồ tiêu Gia Lai. Rồi lan sang nhiều địa phương khác như Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông.
Trước thực tế này, ngành chức năng của các địa phương trong khu vực đã tích cực đưa ra nhiều giải pháp khắc phục. Nhưng đến nay, lời giải cho bài toán khó về cái chết của cây hồ tiêu vẫn chưa có đáp án thỏa đáng.
Gia đình bà Hồ Thị Sinh, trú tại thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh (Gia Lai) từng có của ăn của để, dư dả với hàng chục ngàn trụ tiêu, thời đỉnh cao của “vàng đen”, có năm gia đình bà Sinh thu lên đến hàng chục tỷ đồng. Song từ đầu năm 2016 đến nay, vườn cây nhà bà Sinh bắt đầu nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm. Thêm phần giá xuống chạm đáy nên con cái bà đều phải bỏ rẫy đi làm thuê. Bây giờ chỉ còn lại 2 vợ chồng già 80 tuổi ngày ngày đi vào làng đồng bào bán bún và đồ lặt vặt cho trẻ con để kiếm tiền nuôi nhau...
Chưa kiểm soát được bệnh trên cây tiêu
Không riêng hộ bà Sinh, trên địa bàn Gia Lai hiện có hàng ngàn nông hộ trồng hồ tiêu lâm cảnh tương tự. Tiêu chết, giá sập sàn, nguồn thu nhập không còn khiến cho người trồng tiêu lâm cảnh cơ hàn. Theo thống kê của UBND tỉnh Gia Lai, trên địa bàn có hơn 5.547ha hồ tiêu bị chết vì bệnh, dịch với 32.278 hộ có tiêu bị chết.
Nhiều nông hộ trồng tiêu đang lâm vào cảnh nợ nần |
NHNN chi nhánh tỉnh Gia Lai cho biết, tổng dư nợ người dân vay trồng tiêu khoảng 4.300 tỷ đồng, với hơn 26.000 hộ vay. Trong đó, có khoảng 2.200 tỷ đồng là nợ xấu. Theo ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc NHNN chi nhánh Gia Lai, trước thực tế khó khăn của nông hộ trồng hồ tiêu, ngành Ngân hàng Gia Lai có nhiều giải pháp tháo gỡ cho dân. Chi nhánh chỉ đạo các NHTM trên địa bàn có cho vay đối với cây hồ tiêu tìm mọi biện pháp có thể để hỗ trợ các nông hộ vay vốn trồng tiêu như cơ cấu thời hạn nợ. Trong đó, có việc điều chỉnh thời hạn nợ, gia hạn thời hạn nợ. Cùng với đó là miễn giảm lãi tiền vay cho các nông hộ, hoặc xem xét cho vay lại để tái cơ cấu cây trồng… Hiện tại nhiều nông dân ở đây đang muốn được khoanh nợ.
Câu chuyện tiêu chết, giá giảm sập sàn đã và đang khiến cho người trồng tiêu ở Gia Lai và các địa phương trong khu vực Tây Nguyên gặp muôn vàn khó khăn.
Hộ ông Đoàn Văn Liêm xã Cư Mgar (Đăk Lăk) có vườn hồ tiêu hàng ngàn trụ đang lụi tàn, không còn cách cứu chữa. Theo ông Liêm, trước đây do tiêu được giá nên không riêng gia đình ông mà nhiều hộ trong xã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư. Người ít vài triệu đồng, có người vay cả tỷ đồng để đầu tư trồng hồ tiêu. Giờ đây giá tiêu xuống thấp, thêm vào đó là nhiều diện tích cây tiêu bị bệnh chết, mất mùa nên nhiều gia đình trồng hồ tiêu lâm vào cảnh nợ nần…
Thực tế tại địa phương này cho thấy, từ năm 2018 đến nay có khoảng 100ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết, tập trung ở các xã Ea Mnang, Ea Mroh, Cư Mgar, Cư Dliê Mnông, Quảng Tiến, thị trấn Quảng Phú, Ea Pốk... Dự báo thời gian tới, diện tích tiêu nhiễm bệnh có thể tăng lên. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là khi mở rộng diện tích trồng tiêu, người dân chưa chú trọng đến việc cải tạo đất, xử lý mầm bệnh, trồng trên vùng đất không phù hợp, bón phân hóa học với liều lượng cao dẫn đến nhiều vườn hồ tiêu xảy ra bệnh chết nhanh, chết chậm.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Mgar, trước tình hình dịch bệnh trên cây tiêu, chính quyền địa phương cử cán bộ chuyên môn xuống hướng dẫn kỹ thuật, cách cải tạo đất, phòng trừ dịch bệnh. Cùng với đó, khuyến khích các nông hộ chủ động trồng xen các nhóm cây ăn quả trong vườn tiêu, cũng như vườn cà phê để chia sẻ rủi ro trong khi giá cả tiêu, cà phê xuống thấp. Hướng dẫn, định hướng cho nông dân hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển hồ tiêu an toàn, hướng tới sản xuất hữu cơ để cải thiện hệ sinh vật trong đất đảm bảo cho sự phát triển bền vững lâu dài của cây tiêu.