Nông nghiệp Việt Nam: Phải giải bài toán thua ngay trên sân nhà
Tuyên Quang: Hiệu quả của mô hình tổ vay vốn | |
Thắt chặt kiểm soát vật tư nông nghiệp | |
Xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào tam nông |
Bỏ quên thị trường trong nước
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu trên 120 triệu USD rau củ quả, nâng tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này nửa đầu năm 2018 lên tới gần 600 triệu USD (tăng 110 triệu USD so với cùng kỳ năm 2017). Và theo thống kê của Bộ Công thương thì 6 tháng đầu năm, chỉ riêng mặt hàng rau quả ước nhập khẩu chính ngạch chủ yếu từ thị trường Trung Quốc cà Thái Lan có khai báo 757 triệu USD, tăng 18,9%.
Ảnh minh họa |
Theo con số trên thì bình quân mỗi ngày, Việt Nam chi khoảng 91 tỷ đồng để mua và sử dụng các loại rau củ quả nhập khẩu, chủ yếu từ Thái Lan và Trung Quốc. Với con số trên thì có thể thấy rằng cứ xuất khẩu 3 phần giá trị, thì Việt Nam lại chi phí mất một phần cho nhập khẩu. Với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam thì đó là một nghịch lý thua ngay trên sân nhà của nền nông nghiệp chúng ta.
Phát biểu về thực trạng này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chua xót đưa ra nhận xét: “Trong khi xuất khẩu gặp khó thì nhìn về thị trường trong nước rất xót xa khi hàng ngoại nhập giá rẻ tràn ngập thị trường. Điều đáng nói, nhiều mặt hàng rau, củ quả được nhập lậu không qua kiểm dịch, không rõ xuất xứ, đội lốt hàng Việt Nam với giá rẻ hơn nhiều so với hàng trong nước”.
Nhìn lại những sản phẩm nông nghiệp được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam chúng ta không khỏi giật mình. Có mặt trên những siêu thị lớn bé ở khắp mọi miền, bất cứ mùa nào, thức ấy người tiêu dùng có thể mua được những loại trái cây đến từ Thái Lan chủ yếu là xoài, chôm chôm, thanh long, sầu riêng, mít, ổi… Nghịch lý hơn nữa lại có một số trái cây không những là sản phẩm chủ lực của chúng ta mà lại còn có xuất xứ giống từ Việt Nam. Còn với các sản phẩm rau củ có xuất xứ từ Trung Quốc là bắp cải, cà rốt, su hào, mận, táo, lê… Thì đây đều là những loại cây trồng có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt tại Việt Nam.
Điều đáng lo ngại khác là rau củ quả nhập khẩu hiện đã có mặt không chỉ ở các siêu thị, mà còn thâm nhập vào các chợ nhỏ lẻ, truyền thống. Và trong khi rau củ quả Thái Lan không phải chịu thuế nhập khẩu vào Việt Nam qua đường chính ngạch, thì nông sản Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu bằng đường tiểu ngạch, do đó cũng không thu được thuế và khó quản lý được giá.
Phân tích, đánh giá về nguyên nhân thua ngay trên sân nhà của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh: Việt Nam thiếu các mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình để nhân rộng và phát triển chuỗi sản xuất. Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn hướng ra xuất khẩu, trong khi còn yếu về tiêu chuẩn, thương hiệu. Nhưng mải theo mục tiêu xuất khẩu mà lại bỏ quên thị trường trong nước rõ ràng chúng ta đã thua ngay trên sân nhà.
Việt Nam luôn được xem là một trong những quốc gia có tiềm năng xuất khẩu nông sản nói chung, rau củ quả nói riêng lớn nhất thế giới. Nhưng vì sao tỷ lệ nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam vẫn lớn đến vậy? Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng: Câu trả lời là ở khâu tổ chức sản xuất.
Hai yếu tố quan trọng với nền nông nghiệp Việt Nam
Nhìn vào những kinh nghiệm của các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… chúng ta có thể thấy được sự thành công của nền nông nghiệp của bạn dựa vào 2 yếu tố chính, đó là tích tụ ruộng đất với quy mô lớn và áp dụng công nghệ cao vào nền sản xuất nông nghiệp.
Nếu tích tụ đất với quy mô hợp lý thì đây là cơ sở hạ tầng quan trọng nhất để hiện đại hóa nông nghiệp (nhất là cơ giới hóa, thủy lợi hóa) và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp xem như chỗ dựa cơ bản để nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp hàng hóa Việt Nam hướng ra xuất khẩu.
Một nền nông nghiệp sản xuất dựa vào hộ tiểu nông nhỏ và siêu nhỏ, với những thửa ruộng manh mún là lực cản lớn nhất đối với sự nghiệp phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn của nước ta hiện nay.
Với hình thức tích tụ ruộng đất này là một mô hình mà Trung Quốc đã thực hiện thành công. Họ đã tạo ra những hành lang pháp lý khuyến khích những cá nhân và tổ chức có khả năng tổ chức đứng ra thu gom ruộng đất và người nông dân có thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho chủ mới, hoặc cho chủ mới thuê quyền sử dụng đất hoặc có thể nông dân góp vốn bằng chính giá trị quyền sử dụng đất với chủ mới. Với chính sách này, ruộng đất sẽ được chuyển dần sang những chủ mới giầu tâm huyết với nông nghiệp, có đủ khả năng về vốn và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao với nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Quy mô lớn như vậy thì các chính sách hỗ trợ về chính sách đầu tư, về tín dụng và thậm chí là tiêu thụ cũng dề dàng tổ chức, tiếp cận hơn.
Về áp dụng khoa học công nghệ cao và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp thì hiện nay ở nước ta, khoa học công nghệ chỉ đóng góp được khoảng 30% giá trị gia tăng nông nghiệp, một hàm lượng qua thấp để có thể nâng cao chất lượng, năng suất cho sản phẩm nông nghiệp.
Với việc áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp chúng ta cũng nhìn sang nước láng giềng Thái Lan. Bằng những chính sách cụ thể, họ đã phát huy mọi nguồn lực về trí tuệ của các tổ chức và đội ngũ các nhà khoa học. Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả của các tổ chức nghiên cứu khoa học công lập thì Thái Lan đã thu hút lực lượng khoa học kỹ thuật của các doanh nghiệp và viện nghiên cứu tư nhân để nghiên cứu những đề tài phục vụ cho chính nền sản xuất nông nghiệp của họ.
Hiện nay, các sáng kiến, các công nghệ mới của nước ta cũng được chú trọng nhưng việc ứng dụng dường như chúng ta còn đi sau một bước và điều đáng ngại là chúng ta chưa có được sự gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng.
Do đó, theo các chuyên gia nông nghiệp, muốn tạo được sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam cần vừa coi trọng việc nghiên cứu khoa học công nghệ ở trong nước, vừa coi trọng việc nhập khẩu công nghệ mới ở nước ngoài nhằm đảm bảo nền nông nghiệp Việt Nam được tiếp cận nhanh nhất thành quả khoa học công nghệ toàn thế giới.
Bên cạnh hai yếu tố trên, việc liên kết chuỗi trong sản xuất - tiêu thụ rau củ quả hiện nay cũng chưa bền vững, phần lớn bà con nông dân vẫn “tự sản - tự tiêu”. Yếu tố quản lý Nhà nước tại nhiều địa phương cũng còn mờ nhạt, đây chính là nguyên nhân của tình trạng “được mùa rớt giá” đang dần trở thành câu chuyện “đến hẹn lại lên” của nông nghiệp nước nhà. Thiết nghĩ, chỉ khi các bộ ngành Trung ương, địa phương tích cực triển khai thực hiện hiệu quả việc tổ chức lại sản xuất theo hướng gia tăng giá trị trên cơ sở tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thặng dư xuất - nhập khẩu rau củ quả nói riêng, nông sản nói chung mới khắc phục được tình trạng thua ngay trên sân nhà của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.