Thắt chặt kiểm soát vật tư nông nghiệp
Lỗ hổng quản lý vật tư nông nghiệp | |
Vật tư nông nghiệp kém chất lượng: Vấn nạn nan giải |
Khu vực Tây Nguyên được đánh giá là thị trường tốt cho tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa liên quan đến lĩnh vực vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì vậy, nhiều DN đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bán hàng tại đây. Đây là dấu hiệu tốt của thị trường, giúp người nông dân lựa chọn được sản phẩm tốt, có chất lượng để đầu tư chăm sóc cây trồng, mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Cần kiểm soát tốt thị trường để giúp nông dân tránh rủi ro |
Tuy nhiên, lợi dụng thị trường rộng, khó kiểm soát, nhiều cơ sở, DN kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp đã trà trộn những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là hàng giả, hàng nhái… gây ra không ít hệ lụy cho người tiêu dùng, vừa mất tiền, vừa không mang lại hiệu quả cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Đăk Nông về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, từ tháng 4 - 6/2018, Đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương này kiểm tra 17 cơ sở kinh doanh phân bón, lấy 33 mẫu để kiểm tra chất lượng. Qua đó phát hiện có 10 mẫu vi phạm; xử lý 7 cơ sở, thu nộp ngân sách gần 383 triệu đồng; buộc tiêu hủy toàn bộ 21,5 tấn phân bón giả các loại.
Đồng thời, qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Đăk Nông xử phạt hàng loạt các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng như: xử phạt cơ sở kinh doanh phân bón Trung Toán, huyện Đắk Glong 50 triệu đồng về hành vi bán phân bón hữu cơ khoáng giả không có giá trị sử dụng, công dụng, sản phẩm của Công ty TNHH phân bón Nông nghiệp (Bình Dương). Hay như xử phạt cơ sở kinh doanh phân bón Linh Hậu, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil 30 triệu đồng về hành vi bán phân bón TPBC 016 Bo-Kẽm đậm đặc giả không có giá trị sử dụng, công dụng, sản phẩm của Công ty TNHH Hóa Sinh Trường Phát (TP. Hồ Chí Minh); xử phạt 15 triệu đồng về hành vi bán phân bón Trung vi lượng Can xi-Bo có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại công nghệ Hoàng Gia (TP. Hồ Chí Minh)…
Cá biệt, qua kiểm tra, cơ quan chức năng địa phương phát hiện Công ty TNHH MTV Thương mại Vinh Quang (huyện Đăk Song) đang lưu hành và chuẩn bị bán ra thị trường 10 tấn phân bón sinh hóa hữu cơ ViGaf 6-2-4 nhãn hiệu “Con dơi đỏ”. Qua kiểm nghiệm, cơ quan chức năng xác định, số lượng phân bón trên có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng theo quy định. Do đó, UBND tỉnh Đăk Nông vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 88,5 triệu đồng, vì bán phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Thực tế này cho thấy, các ngành chức năng và chính quyền địa phương phải thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra về điều kiện sản xuất, kinh doanh tại các cơ sở như: cơ sở vật chất, trang thiết bị; nguồn nhân lực, chương trình quản lý chất lượng; tiêu chuẩn, quy chuẩn và ghi nhãn hàng hóa đang áp dụng… Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể, người sản xuất, người tiêu dùng và các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, ngăn chặn hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng.
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của tỉnh Đăk Nông, thời gian tới sẽ tiến hành kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào việc chấp hành thủ tục hành chính; tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc; thực hiện các quy định về xúc tiến thương mại, ghi nhãn hàng hóa, các quy định về đo lường; các quy định về bình ổn giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá...
Thông qua đó, góp phần ổn định thị trường, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Đồng thời, bảo vệ thương hiệu, quyền lợi cho DN, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.