Nông sản sao mãi “núp bóng”…
Nỗi khổ làm nông sản sạch | |
Đến bao giờ nông sản Việt mới có tên trên… bản đồ thế giới? |
Hàng loạt các thương hiệu nông sản gắn liền với các địa danh như nước mắm Phú Quốc, chả mực Hạ Long, nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong, gạo tám Hải Hậu, hay vải thiều Bắc Giang… từ lâu là đặc sản của Việt Nam. Thế nhưng thông tin tại hội thảo Phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý mới đây cho thấy, có tới 90% nông sản Việt phải núp bóng thương hiệu ngoại để xuất khẩu.
Nông sản Việt chưa xây dựng được thương hiệu cho mình |
Đó là thực trạng đáng buồn đối với hàng nông sản Việt. Có một thực tế là nhiều thương lái nước ngoài mua nông sản Việt, đóng mác, dán nhãn của họ rồi bán ra thị trường nhưng đã có thể tăng giá gấp đôi, gấp ba. Lợi nhuận thì họ hưởng, còn những khó khăn mưa nắng hay rủi ro mùa màng thất bát thì phía Việt Nam gánh chịu.
Nó cho thấy việc xây dựng thương hiệu vẫn còn nhiều bất cập. Điều này đã làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm trong nước cũng như gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp của Việt Nam.
Câu chuyện thương hiệu cho nông sản Việt không mới mà đã được nhiều chuyên gia, doanh nhân đề cập đến. TS. Nguyễn Quốc Thịnh - chuyên gia Ban tư vấn Chương trình thương hiệu quốc gia - nhìn nhận, từ con cá tra cho tới quả vải thiều, từ gạo Việt Nam cho tới quả thanh long… khi xuất khẩu sang các thị trường quốc tế đều chỉ ghi chung “Product of Vietnam” (sản phẩm của Việt Nam) mà không có tên bất kỳ thương hiệu DN sở hữu nào. Sẽ rất khó để Việt Nam có những thương hiệu lớn như Coca Cola, Lacoste, Nokia… nếu các DN cứ mãi sản xuất gia công, không liên kết nhau lại.
“Cần phải khai thác được những chỉ dẫn địa lý, gắn liền sản phẩm với từng địa phương, để Lục Ngạn thành thương hiệu cho quả vải, để Cao Phong trở thành thương hiệu cho những trái cam...”, ông Thịnh chia sẻ.
Việc thiếu vắng những thương hiệu nông sản mạnh dẫn đến nhiều thiệt thòi cho cả DN và người nông dân. Thiệt thòi trước tiên có lẽ chính là hình ảnh nông sản Việt bị méo đi trong mắt bạn bè quốc tế. Thứ nữa là, giá trị của nông sản Việt cũng bị giảm sút đáng kể. Đơn cử như mặt hàng gạo, Việt Nam là nước có nền sản xuất lúa gạo khá lâu đời, sản lượng đứng nhất nhì thế giới. Thế nhưng, xét về giá trị, xét trên mặt bằng chung giá gạo Việt Nam chỉ thuộc dạng trung bình khá chứ không cao bằng các nước khác, nhất là Thái Lan…
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra đối với các nông sản khác như cà phê, hồ tiêu, hạt điều… Ngay đối với những sản phẩm được coi là có thương hiệu như thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột… cũng chưa có một thương hiệu đặc trưng mà chỉ tồn tại dưới dạng nhãn hiệu địa lý, gây nên tâm lý thiếu tin tưởng của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Hệ quả tất yếu là sản lượng xuất khẩu nhiều nhưng giá trị và lợi nhuận thu được không đáng kể.
Tuy nhiên, theo giám đốc một DN thì việc xây dựng một thương hiệu cho nông sản là điều không mấy dễ dàng và không phải DN nào cũng đủ tiềm lực tài chính để xây dựng. Bởi, xây dựng thương hiệu cho nông sản cần phải hội tụ nhiều yếu tố. Trước hết là khối lượng nông sản phải đủ lớn, chất lượng nông sản phải ổn định, đồng đều trên từng mùa vụ.
Nông sản ấy lại phải có giá bán phù hợp và đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Kênh phân phối phải đủ rộng và lợi nhuận đủ để chia sẻ cho kênh phân phối… Đó là những điều mà không phải một DN đơn lẻ có thể làm được. Nó cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan quản lý, sự liên kết, chia sẻ thị trường của các công ty, nhà phân phối...
Theo các chuyên gia, để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt đủ sức cạnh tranh trên sân nhà và vươn tầm ra thị trường quốc tế thì cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật để xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho nông sản. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết vùng phát triển sản xuất và tiêu thụ trong đó Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn cụ thể để xây dựng các vùng chuyên canh, nhà khoa học hỗ trợ DN và nông dân về tiến bộ khoa học, kỹ thuật.
Đồng thời, Chính phủ và các DN cần có chiến lược xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, truyền thông, quảng bá thương hiệu, tạo điều kiện cho nông sản Việt có cơ hội thâm nhập. Ngoài ra cũng cần có quy trình sản xuất nông sản hiện đại, phù hợp với các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.