Nỗi khổ làm nông sản sạch
Đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng | |
Liên kết tiêu thụ nông sản sạch |
Sản phẩm của họ dù được khách hàng ưa chuộng, nhưng chỉ xuất hiện vài lần trong tháng, ở một vài điểm bán nhất định (không có trong siêu thị hay hệ thống cửa hàng tiện lợi) tại thành phố có đến gần 13 triệu dân, thì có phải con đường đến thị trường của nông sản sạch quá xa?
Nông sản sạch tiêu thụ nhỏ lẻ |
Ngay đầu tháng 2 năm 2017, phiên chợ nông sản sạch đã xuất hiện một số sản phẩm nông sản (tươi sống, chế biến…) mới ra thị trường, chất lượng cao của các hợp tác xã nông nghiệp, các DN khởi nghiệp đã có dự án đạt giải trong cuộc thi dự án khởi nghiệp 2016 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) tổ chức.
Có thể thấy, sản phẩm nông sản sạch hiện nay rất đa dạng, do DN sản xuất nắm bắt sát nhu cầu thực tế của thị trường và người tiêu dùng hiện đại. Sản phẩm không chỉ chú trọng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và phải ngon về hương vị và hầu hết là nông sản quen thuộc của người Việt.
Cụ thể, như Công ty Cỏ May của tỉnh Đồng Tháp đã giới thiệu hàng loạt sản phẩm chế biến từ nấm rơm như nước mắm, hạt nêm, bột ngọt nấm, nấm rơm tươi. Trang trại Happytrees, tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng mang đến thị trường TP. Hồ Chí Minh hàng chục loại cà chua đủ màu sắc (vàng, cam, đen, nâu…), mùi vị loại cà chua này ngọt thanh, thơm mát độc đáo, ngon hơn cả nhiều loại trái cây.
Các loại rau xanh mang đến từ Bến Tre có xuất xứ từ chương trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ do Nhật Bản tài trợ với khẩu hiệu Từ hạt giống đến bàn ăn… Ngoài ra, nông sản và sản phẩm chế biến từ nông sản nổi tiếng khác cũng đã xuất hiện như gạo Long Châu 66 từ DN Cỏ May, nước mắm rươi Long Vinh từ tỉnh Trà Vinh, nấm Ngọc Thạch từ trường Đại học Nguyễn Tất Thành…
Theo bà Vũ Kim Anh, thuộc đơn vị tổ chức phiên chợ nông sản sạch, hiện nay có không ít DN Việt tâm huyết với lĩnh vực nông nghiệp. Họ không chỉ sản xuất theo kiểu truyền thống như trước mà luôn tiếp cận kỹ thuật mới, hướng đến sản xuất sản phẩm chất lượng cao hơn, hiệu quả kinh tế lớn hơn. Khi đưa sản phẩm ra thị trường, họ không ngại sản phẩm giá cao hơn hàng cùng loại mà ngại vấn đề tiêu thụ bền vững.
Hiện nay, người tiêu dùng muốn có sản phẩm sạch ngoài tìm đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì có các phiên chợ hàng sạch. Tuy nhiên, tại một thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, có đến gần 13 triệu dân, sức tiêu thụ hàng hóa khổng lồ mà chi có vài phiên chợ/tháng chỉ là hạt muối bỏ bể. DN nông sản sạch phần lớn là DN nhỏ, từ hộ gia đình phát triển thành, quá trình sản xuất đã rất khó khăn, nay tự tìm và mở rộng hệ thống phân phối càng khó hơn.
Cụ thể, như sản phẩm cà trái cây của trang trại Happytrees. Giá bán chỉ 50.000 đồng/kg (rẻ hơn Chợ Bến Thành 20.000 đồng), đảm bảo đúng loại, đúng chất lượng, khách hàng ồ ạt tìm mua, thì chỉ có tại một địa chỉ ở quận Phú Nhuận, còn lại đặt hàng online nhưng phải từ 3 - 5 ngày mới có hàng. Không chỉ một, mà nhiều loại sản phẩm nông sản sạch của DN mới hiện nay cũng chịu tương tự.
Ông Vương Đình Dũng, Phó giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt cho biết, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã khó (nguồn vốn lớn, tìm đất thuê làm trang trại dài hạn, chọn kỹ thuật thâm canh phù hợp loại nông sản…), đến khi có sản phẩm phải đầu tư hệ thống chế biến, bảo quản sau thu hoạch và vận chuyển, nhưng phần lớn DN nhỏ rất khó đưa được sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, vì giá sản phẩm cao, số lượng theo mùa không đáp ứng hàng loạt yêu cầu mà nhà bán lẻ đề ra.
Cuối cùng, DN chọn cách chào hàng vào các chợ lớn (như Bến Thành, An Đông) hay nhà hàng, khách sạn, bếp ăn sân bay… với số lượng mà mình chủ động được. Nhưng như vậy thì quá trình mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu của DN sẽ chậm hơn. Về phía người tiêu dùng cũng sẽ khó tiếp cận sản phẩm hơn.