Đến bao giờ nông sản Việt mới có tên trên… bản đồ thế giới?
Là một đất nước có diện tích đất nông nghiệp rộng, đường bờ biển dài, việc phát triển nuôi trồng nông, lâm, thủy sản tại Việt Nam vẫn luôn được chú trọng.
Bởi vậy mà trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu, nông sản đã và đang chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên, phần lớn nông sản Việt khi ra tới thị trường thế giới lại “mất tên” bởi chúng được xuất khẩu đi ở dạng thô, khi tới tay người tiêu dùng thì đã được đóng gói bao bì của các thương hiệu khác nhau.
Ảnh minh họa |
Xuất khẩu thô: Thiệt thòi đủ đường!
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2016 của Tổng cục Thống kê cho hay, trong năm 2016, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm nhẹ so với năm trước.
Cụ thể, gạo đạt 2,2 tỷ USD, giảm 21,7% (lượng giảm 25,7%); sắn và sản phẩm từ sắn đạt 996 triệu USD, giảm 24,3% (lượng giảm 10,9%).
Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 18,1 tỷ USD, tăng 6,5% và chiếm 10,3% (giảm 0,2 điểm phần trăm); hàng thủy sản ước đạt 7 tỷ USD, tăng 6,8% và chiếm 4% (giảm 0,1 điểm phần trăm).
Có thể nhận thấy các mặt hàng nông sản được xuất khẩu của Việt Nam đều rất đa dạng và thường xuất khẩu với số lượng lớn. Nhưng điều đáng bàn là sự mất cân bằng về chất lượng nông sản dẫn đến thiệt thòi cho nhóm ngành truyền thống này. Mải mê chạy đua về thứ hạng xuất khẩu nên mãi cho đến nay, nông sản Việt vẫn chỉ xuất khẩu ở dạng thô và thường xuyên bị ép giá do chất lượng không đồng đều.
Bên cạnh sự cạnh tranh của chính những doanh nghiệp trong nước thì nguyên nhân khiến cho nông sản Việt lép vế còn có yếu tố tác động của cơ quan chức năng, quản lý. Mặc dù các chính sách kinh tế cho hoạt động xuất khẩu đã có nhưng vì sự bị động của doanh nghiệp cũng như thị trường nuôi trồng trong nước mà hoạt động xuất khẩu luôn phụ thuộc vào thị trường quốc tế.
Nói là xuất khẩu thô nhưng thực tế các mặt hàng nông sản đã phải qua tay người nuôi trồng tới tay các doanh nghiệp xuất khẩu, kinh doanh rồi mới đến bước xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, cơ chế quản lý lỏng lẻo và cái lợi trước mắt đã dẫn đến sự không đồng nhất về chất lượng nông sản. Cụ thể, nhiều người nuôi trồng đã dùng các chất kích thích hay bơm hóa chất vào tôm, cua, cá để tăng về khối lượng, tạo sự đẹp mắt cho sản phẩm. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng trong nước mà cả thị trường nước ngoài mất đi niềm tin vào chất lượng nông sản Việt.
Cơ hội xuất khẩu mở rộng nhưng đi kèm đó lại là thách thức, thách thức cho ngành nông sản Việt, làm sao để vừa đảm bảo chất lượng mà vẫn duy trì số lượng cho các mặt hàng nông sản.
Xây dựng thương hiệu, tìm ra “mũi nhọn”
Tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đưa con tôm trở thành sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn trong xuất khẩu nông sản Việt Nam. Ngành tôm Việt Nam hiện thu hút khoảng 4 triệu hộ gia đình nuôi tôm thương phẩm. Đây là ngành mang lại nhiều việc làm và đóng góp cho nền kinh tế.
Kim ngạch xuất khẩu tôm dao động từ 3 – 4 tỷ USD/năm. Là ngành chủ đạo nhưng xuất khẩu tôm trong nước hiện vẫn tồn tại những thách thức chung của nền nông nghiệp trong nước.
Đó chính là phương thức sản xuất nhỏ lẻ, tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu và áp lực cạnh tranh từ hội nhập khi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA kiểu mới mà Việt Nam đang trong quá trình đàm phán.
Mặc dù xuất khẩu nông sản là thế mạnh nhưng việc quản lý từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu lại đang có rất nhiều bất cập. Nhu cầu thu lời nhanh, “bóc ngắn cắn dài”, kéo theo đó là yêu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng đã khiến các sản phẩm nông sản Việt không thực sự đủ “chất” để cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Một con số cụ thể minh chứng cho sự tuột dốc của thương hiệu nông sản Việt là trong 2 qua, giá trị thương hiệu của Việt Nam giảm tới 19%, so với năm 2014 được định giá là 172 tỷ đô la Mỹ, thì năm 2015 chỉ còn 140 tỷ đô la Mỹ. Việt Nam chỉ xếp hạng trên Campuchia về thương hiệu.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản trong xu thế hội nhập và ký kết nhiều Hiệp định tự do thương mại như hiện nay, cần phải quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, nhất là thương hiệu các mặt hàng nông sản.
Điều này không chỉ phụ thuộc vào các nhà sản xuất, chế biến xuất khẩu mà cần có sự mạnh tay vào cuộc của các cơ quan chức năng trong quy trình kiểm tra, kiểm soát tất cả các khâu với những chế tài mạnh đủ sức răn đe với những hành động chụp giật làm mất hình ảnh thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giời.
Với kế hoạch đưa tôm trở thành sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn thì cần có sự vào cuộc và đồng tâm hợp lực của cả người sản xuất và các cơ quan chức năng, sao cho con tôm Việt đáp ứng được cả về khối lượng, chất lượng mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ sức để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.