Nóng vấn đề giải ngân vốn đầu tư công
Điều chỉnh và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn | |
8 tháng, ước bội thu ngân sách 97,2 nghìn tỷ đồng |
Ảnh minh họa |
Giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng là hơn 161.286 tỷ đồng, bằng 37,92% dự toán (Quốc hội giao) và bằng 41,39% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là mức giải ngân thấp nhất trong cùng kỳ những năm gần đây.
Trong khi báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2019 vẫn thấp, nhất là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn nước ngoài. Rất quan ngại là có 29 bộ, ngành và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%, trong đó 8 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%...
Hai bộ cũng cho biết, bên cạnh một số nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay là do yếu tố chủ quan, nhất là những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện, như: giao vốn chậm; dự kiến nhu cầu vốn chưa sát với khả năng thực tế giải ngân; chậm công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm; giải phóng mặt bằng, thanh toán chậm, các dự án phải theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng, đất đai... Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao.
Sự chậm chạp không chỉ thể hiện qua những con số giải ngân đã nêu mà còn thể hiện ở chỗ đến tháng 7 vẫn còn hơn 35.000 tỷ đồng chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn, mà nhẽ ra việc này phải hoàn thành trong tháng 5/2019. Trong số vốn chưa được giao có 16.500 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương và vốn trái phiếu chính phủ và hơn 4.200 tỷ đồng và vốn nước ngoài là hơn 14.300 tỷ đồng…
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Vũ Đại Thắng, trong số chưa giao vốn này có 9.900 tỷ đồng chưa giao cho Tập đoàn Dầu khí và Viettel do các dự án của các đơn vị này chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công; 2.400 tỷ đồng chưa giao cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng do tháng 9/2018 Kiểm toán nhà nước kiến nghị không giao vốn vì không đúng với Quyết định số 1256/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình này...
Nói rõ hơn về nguyên nhân giải ngân chậm vì “chậm giao kế hoạch”, ông Trần Quốc Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “chủ yếu là chậm giao kế hoạch từ cấp các bộ, ngành, địa phương cho các dự án cụ thể”.
Ông Phương dẫn số liệu: Tổng kế hoạch vốn đầu tư từ NSNN năm 2019 là 429.300 tỷ đồng. Trước ngày 31/12/2018, đã có hơn 367.000 tỷ đồng được giao, đạt 85,5% kế hoạch. Phần còn lại chưa được giao, chủ yếu do một số dự án mà các bộ, ngành, địa phương đề xuất chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, chưa đủ cơ sở pháp lý để giao kế hoạch và thực hiện. Bên cạnh đó, trình tự giao kế hoạch vốn còn phải được thực hiện ở cấp chủ đầu tư giao kế hoạch cho các dự án cụ thể nữa.
Chính phủ quyết tâm
Có thể nói chậm giải ngân vốn đầu tư công là một trong những bất cập lớn của nền kinh tế hiện nay mà nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ “tình hình cấp bách nóng bỏng. Giải ngân vốn đầu tư công đã là áp lực nội tại của Chính phủ rồi…”.
Quả vậy, công điện ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhấn mạnh: giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh và các hiệp định đã ký kết và ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động…
Tính cấp bách của vấn đề được thể hiện ở chỗ 2 ngày trước khi Thủ tướng có công điện trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trực tiếp chủ trì một cuộc họp với các bộ, ngành, các địa phương về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Hiện Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị và nhiều thông báo kết luận cuộc họp chuyên đề của Phó Thủ tướng về vấn đề này.
Đồng tình với những nguyên nhân đã được Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư chỉ ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, “các yếu kém trong quản lý đầu tư của các bộ, ngành địa phương trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là vấn đề nghiêm trọng cần phải được xoá bỏ”.
Đó là lý do tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa được ban hành cuối tuần trước, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 đã được giao; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân chậm của bộ, ngành, địa phương mình; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017 của Chính phủ; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/4/2019 và Công điện số 1042/CĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ; kiểm điểm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt Chính phủ yêu cầu phải kiên quyết thực hiện việc điều chuyển hoặc thu hồi số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2019 đã giao cho các bộ, ngành, địa phương nhưng giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.