Ông Trump: Sẽ có “Kế hoạch B” nếu đàm phán không tiến triển
Thương mại toàn cầu bị tổn thương vì cuộc chiến thuế quan | |
Nhìn lại “trade war” và cơ hội xuất khẩu | |
Dấu hiệu ông Trump muốn chuyển từ chiến tranh thương mại sang tiền tệ |
Kế hoạch B: Tăng thuế hết “room”
“Kế hoạch B của tôi với Trung Quốc là sẽ thu về hàng tỷ, hàng tỷ USD mỗi tháng và Mỹ sẽ làm ăn với Trung Quốc ít và ngày càng ít đi”, ông Trump nói hôm thứ tư (26/6) trong cuộc trả lời phỏng vấn với Fox Business Network. Nhà Trắng ra thông cáo cho biết, cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump với ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ diễn ra vào lúc 11:30 sáng, ngày 29/6 tại Osaka, Nhật Bản.
Trước đó Tổng thống Trump nói rằng, ông có thể sẽ quyết định tăng thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc nếu ông “không thích” những gì nghe được từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp vào cuối tuần này. Bởi vậy, nội dung cuộc gặp sẽ diễn biến theo chiều hướng nào đang là tâm điểm mà thị trường tài chính toàn cầu sẽ theo dõi rất cẩn thận.
Thị trường đang dõi theo cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung ngày 29/6 |
Những bình luận mới nhất của Tổng thống Trump đã làm tăng “nghi ngờ” với quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đưa ra ngay trước đó (vào cùng ngày 26/6) trong trả lời phỏng vấn trên CNBC rằng, ông lạc quan các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước có thể sớm hoàn tất. Một ngày trước đó, Bloomberg đưa tin, trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại có thể nối lại, một lựa chọn có khả năng xảy ra là Hoa Kỳ sẽ đình chỉ đợt áp thuế tiếp theo đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại từ Trung Quốc.
Trong trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 26/6, ông Trump cho biết nếu thuế quan đối với nhóm hàng hóa còn lại có hiệu lực, nó có thể ở mức 10% thay vì 25%. “Kế hoạch B của tôi là nếu không đạt được một thỏa thuận, tôi sẽ áp thuế, nhưng có thể không ở mức 25% mà có khả năng ở mức 10%”, ông Trump nói. Tổng thống Mỹ cho biết ông thích Trung Quốc và Chủ tịch Tập nhưng cũng “chua” thêm là “họ đã lợi dụng chúng ta trong thời gian rất dài” và rằng “họ đã phá giá đồng tiền của mình như (cách nảy) của một quả bóng bàn”.
Cuộc gặp giữa nguyên thủ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong CTTM đã diễn ra trong hơn một năm qua và cả hai bên đều chịu nhiều tổn thất nếu tiếp tục leo thang. Tuy nhiên, dường như cũng không có kỳ vọng gì nhiều từ cuộc vào cuối tuần này. Một quan chức cao cấp của chính quyền Hoa Kỳ ngày 25/6 cho biết, không có thỏa thuận thương mại chi tiết nào được mong đợi tại cuộc gặp thượng đỉnh lần này. Mục tiêu của cuộc họp là tạo ra một con đường phía trước cho một thỏa thuận, sau khi các cuộc đàm phán bị phá vỡ vào tháng trước.
Giá dầu có thể về mức 30 USD/thùng?
Theo bảng thước đo kinh tế tổng hợp Bloomberg Economics, nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu tiếp tục suy yếu vào tháng 6. Trong đó, đáng chú ý là chỉ số “niềm tin của các DN nhỏ hơn” tiếp tục xấu đi kể từ tháng 5 vừa qua, với lo ngại CTTM leo thang đè nặng lên doanh số bán hàng trong tương lai.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và NHTW Trung Quốc đã cố gắng kích thích các DN nhỏ hơn và khu vực tư nhân, nhưng đây cũng là những đối tượng sẽ phải đối mặt với “nỗi đau ngay lập tức” so với các DN lớn và DNNN nếu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc tới đây trở nên tồi tệ và các nhà xuất khẩu của quốc gia này phải đối mặt với mức thuế 25% đối với mọi thứ hàng hóa muốn tìm đường tới thị trường Mỹ.
Điều này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ cần thúc đẩy các cuộc đàm phán với Tổng thống Donald Trump để tránh thuế quan bổ sung đối với phần hàng hóa còn lại.
“Ngay cả khi CTTM ngừng leo thang nếu cuộc gặp thượng đỉnh cuối tuần này đạt kết quả tích cực thì áp lực vẫn đang dồn lên các DN nhỏ hơn. Các chính sách kích thích vẫn kém hiệu quả trong việc chạm tới được các DN này”, chuyên gia kinh tế Qian Wan của Bloomberg tại Hồng Kông nhận định. Các DNNVV chính là xương sống của nền kinh tế Trung Quốc, nơi tạo ra phần lớn việc làm. Nhu cầu trong nước suy yếu đang làm tổn hại đến sản xuất và bán hàng của họ, kéo theo nhu cầu mở rộng đầu tư vẫn rất chậm chạp.
Trong ngắn hạn, một số nhà xuất khẩu Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất và giao hàng đến Mỹ để tránh nguy cơ bị áp thuế quan cao hơn trong thời gian tới nhưng nhìn dài hạn hơn thì triển vọng bán hàng và lợi nhuận sẽ giảm do xung đột chưa được giải quyết. Giá hàng hóa (quặng sắt, đồng…) đã biến động khá mạnh trong tháng này, với việc đóng cửa mỏ chính ở Brazil đã đẩy giá quặng sắt toàn cầu tăng cao hơn và một cuộc đình công ở Chile đang làm giảm nguồn cung đồng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là giá các hàng hóa sẽ tăng bền vững. Thực tế, giá quặng sắt tương lai đã giảm ngày thứ tư liên tiếp do lo ngại về nhu cầu sẽ giảm trong thời gian tới.
Đáng chú ý theo Bank of America Merrill Lynch, một mối quan hệ tiếp tục xấu đi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể kích hoạt một chuỗi các vấn đề khác và có thể đẩy dầu giảm hơn 50% so với hiện nay, xuống mức 30 USD/thùng (dầu thô Brent). Trong một cuộc phỏng vấn tại Singapore mới đây, Francisco Blanch, người đứng đầu bộ phận hàng hóa toàn cầu của ngân hàng này cho biết, nếu Mỹ quyết định tăng thuế với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại từ Trung Quốc, điều này có thể khiến các nhà chức trách Trung Quốc để cho đồng Nhân dân tệ suy yếu, qua đó khiến giá dầu (tính theo USD) sẽ đắt đỏ hơn với nước nhập khẩu dầu đứng đầu thế giới này và dẫn đến nhu cầu sụt giảm mạnh.
Để bù đắp lại, Bắc Kinh cũng có thể quyết định phớt lờ các lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran để tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ nước này. “Lúc đó, vấn đề thương mại và vấn đề Iran sẽ trở thành cùng một vấn đề. Khi nhu cầu sụp đổ và vẫn nhận được 2 triệu thùng từ Iran thì bạn nghĩ giá sẽ đi về đâu? Điều đó cuối cùng sẽ tạo ra một kịch bản 30 USD/thùng”, ông Blanch nói. Đây là kịch bản xấu nhất mà ngân hàng này đưa ra và theo ông Blanch, kịch bản này không dễ xảy ra nhưng cũng không phải là “điên rồ”. Còn theo kịch bản cơ sở, giá dầu thô Brent và WTI trung bình sẽ ở các mức 63 và 56 USD/thùng trong nửa cuối năm nay.