Dấu hiệu ông Trump muốn chuyển từ chiến tranh thương mại sang tiền tệ
Với một loạt các dòng tweet mới đưa ra ngày 18/6 nhằm vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và trực diện vào Chủ tịch đương nhiệm Mario Draghi của ECB (người vừa tuyên bố đã sẵn sàng cắt giảm lãi suất xuống dưới 0% để đối phó với sự tăng trưởng chậm lại của châu Âu), ông Trump đang thực sự là một tổng thống Mỹ hiếm hoi muốn can thiệp vào chính sách tiền tệ của nền kinh tế khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump |
“Ông Mario Draghi vừa tuyên bố sẽ có nhiều kích thích hơn, và điều này ngay lập tức khiến Euro giảm so với USD, giúp họ dễ dàng cạnh tranh với Mỹ hơn. Họ đã làm điều này trong nhiều năm, cùng với Trung Quốc và những nước khác”, ông Trump đã tweet như vậy và sau đó viết thêm: “Chỉ số DAX của Đức đã tăng lên do quan điểm có thể kích thích từ Mario Draghi. Như vậy là rất không công bằng với Hoa Kỳ!”.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump đổ lỗi cho việc thao túng tiền tệ ở nước ngoài khiến đồng USD mạnh lên và làm tăng chi phí xuất khẩu của Hoa Kỳ. Ông đã trở thành vị tổng thống độc nhất trong số các tổng thống Mỹ gần đây trong nỗ lực thay đổi chính sách đồng USD mạnh của những người tiền nhiệm. Bằng cách nhắm trực tiếp vào Chủ tịch ECB Draghi và phản ứng ngay lập tức trước một tuyên bố chính sách của NHTW nước khác, ông Trump đã làm vấn đề nóng lên và điều này xảy đến chỉ vài ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, cho thấy chính quyền của ông Trump ngày càng “hung hăng” hơn đối với các chính sách tiền tệ - nơi ông nhìn thấy “dư địa tốt” trong kho vũ khí thương mại của mình.
“Mặc dù chúng ta chưa ở trong một cuộc chiến tiền tệ nhưng họ đang chuẩn bị các nền tảng, họ đang đưa ra các công cụ tiềm năng mà họ có thể có”, Cesar Rojas, nhà kinh tế toàn cầu tại Citigroup Global Markets Inc., nhận định. Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW G20 trong tháng này đã thống nhất rằng, một cuộc chiến tiền tệ không nằm trong lợi ích của bất kỳ ai. Họ cũng tái khẳng định các cam kết được đưa ra vào tháng 3/2018 là phải kiềm chế sự phá giá đồng tiền để cạnh tranh.
Tháng trước, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã tăng số lượng nền kinh tế mà họ sẽ “nghiên cứu kỹ lưỡng” từ 12 lên 21 và mở rộng danh sách theo dõi từ 4 lên 9, theo những tiêu chí mới khó khăn hơn, dù một lần nữa thể hiện sự kiềm chế khi không “dán nhãn” thao túng tiền tệ với Trung Quốc.