Phải có cách dẫn vốn hiệu quả
VAMC giảm lãi suất các khoản nợ xấu bằng euro | |
Xu hướng lãi suất: Còn phụ thuộc vào cầu tín dụng | |
Ngân hàng thương mại đang ép lãi vay xuống |
TS. Cao Sỹ Kiêm |
Từng là Thống đốc NHNN và cũng ở cương vị Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, ông chia sẻ gì trước lo ngại lãi suất có thể tăng?
Trước hết, có thể thấy rằng thời gian vừa qua các giải pháp điều hành CSTT, trong đó có chính sách lãi suất của NHNN là khá quyết liệt. Chính vì vậy, chúng ta cũng đã đưa được mặt bằng lãi suất xuống thấp trong vòng khoảng ba năm qua, giúp cho DN có điều kiện phát triển tốt. Và với DN thì lãi suất càng thấp càng tốt, bởi đó là một phần quan trọng trong chi phí sản xuất, kinh doanh. Do đó, khi gần đây các NHTM liên tục tăng lãi suất huy động, DN lo cũng là bình thường.
Đã có những ý kiến cho rằng, sẽ khó cưỡng được việc lãi suất cho vay của các NH tăng thêm một vài điểm phần trăm?
Tôi cho rằng, lãi suất cho vay có tăng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như cung cầu vốn, lạm phát… Nhưng có thể thấy rằng, nền kinh tế của chúng ta đang hội nhập sâu hơn, DN đang phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh… Và số lượng các dự án đầu tư dài hạn cũng tăng rất nhanh, đòi hỏi vốn dài hạn khá lớn.
Nhu cầu vay vốn dài hạn tăng nhanh nhưng huy động từ thị trường vốn hiện vẫn rất khó khăn. Ở các nước, hệ thống NH chỉ đảm bảo vốn lưu động thôi, còn vốn dài hạn thì phải tìm ở thị trường vốn, nhưng ở nước ta hiện nay hầu như cả vốn ngắn hạn lẫn dài hạn đều “nhòm” cả vào NH.
Trong khi nguồn vốn huy động tại NH đa phần là với kỳ hạn 6-12 tháng, nhưng lại cho vay khá nhiều ở kỳ hạn 3-4 năm, thế thì phải “bốc” vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn. Muốn cân đối lại nguồn vốn, NH buộc phải đẩy lãi suất huy động lên để thu hút tiền gửi trung dài hạn. Ngoài ra, việc tăng lãi suất tiền gửi của một số NH thời gian qua cũng có thể do muốn giữ chân khách hàng, quảng bá thương hiệu.
Liệu các NH có thể tiếp tục cắt giảm chi phí xuống mức thấp nhất có thể để ghìm lãi suất ổn định?
Tôi thấy các NH thời gian qua đã đẩy mạnh việc tiết kiệm chi phí hoạt động để giữ lãi suất. Có thể thấy lợi nhuận của nhiều NHTM rất thấp. Tuy nhiên, việc tiết kiệm chi phí để giữ lãi suất không tăng cũng chỉ có giới hạn. Và điều này cũng sẽ mâu thuẫn, bởi chúng ta đang muốn xây dựng hệ thống NH theo hướng hiện đại, như thế phải có đầu tư rất lớn cho trang bị công nghệ, nên khó đòi hỏi tiết kiệm thêm chi phí được.
Chính phủ cũng đang chịu áp lực trong phát hành trái phiếu có tác động tới lãi suất NH, thưa ông?
Lãi suất, có lãi suất NH huy động, lãi suất vay nước ngoài, trái phiếu Chính phủ (TPCP)…, tất cả các lãi suất này đẩy vào mặt bằng chung. Nếu NH huy động tiết kiệm 6%/năm mà lãi suất TPCP cũng 6-7%/năm thì lãi suất huy động của NH rất khó giữ được.
Cũng không loại trừ TPCP nhằm vào vốn nhàn rỗi trong xã hội, nhưng có khi lại toàn NH mua như đã từng diễn ra thời gian vừa qua. Bản thân NHTM thích mua TPCP, vì đó là một trong những kênh đầu tư lợi nhuận không cao, nhưng không sợ rủi ro và để dự trữ thanh khoản rất tốt.
Để không bị áp lực về cung ứng vốn cho nền kinh tế, giữ được lãi suất ổn định, nhiều chuyên gia đề nghị Chính phủ phải có giải pháp dẫn vốn cho nền kinh tế bằng cả “hai chân”?
Đúng vậy, phải đẩy mạnh, nâng cao chất lượng của thị trường chứng khoán, bảo hiểm để đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế. Mặc dù là khó nhưng cũng phải làm, chứ cứ trông chờ vào tiền gửi tiết kiệm của dân rồi để cho vay thì sẽ rất khó cho NH.
Xin cảm ơn ông!