Kinh tế Việt Nam: Sự trở lại với quỹ đạo tăng trưởng
Hàng loạt dự báo về tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2016 mới đây đã được các tổ chức quốc tế công bố, tất cả đều ở mức khá cao và sát với chỉ tiêu tăng trưởng GDP mà Quốc hội thông qua. Cụ thể, NH HSBC dự báo tăng trưởng của nước ta có thể đạt 6,7% trong năm nay. Trong khi đó, NH Thế giới (WB) và hãng tin Bloomberg đều dự báo mức tăng trưởng 6,6% cho năm 2016.
Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ kinh tế phục hồi, xuất khẩu tăng mạnh |
Một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Maritime Bank phân tích nguyên nhân, tăng trưởng kinh tế đến từ cả phía cung và cầu, với sự cải thiện khá rõ nét của cả sản xuất và tiêu dùng. Trong đó nổi bật là đầu tư xã hội và tín dụng đều tăng ở mức tích cực; thị trường bất động sản trên đà phục hồi mạnh mẽ; nhiều FTA được ký kết và kết thúc đàm phán cũng sẽ là những yếu tố giúp cho nền kinh tế tiếp tục có được đà tăng trưởng tốt hơn trong tương lai. Trung tâm này dự báo tăng trưởng GDP năm 2016 có thể đạt khoảng 6,6 - 6,8%.
“Những kết quả vừa qua đã đưa tốc độ tăng trưởng trở lại quỹ đạo 6,5%. Việt Nam ngày càng cho thấy là một điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ kinh tế phục hồi, xuất khẩu tăng mạnh, lực lượng lao động trẻ và có tay nghề”, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc NH Standard Chartered Việt Nam nhìn nhận.
“Nhà đầu tư nói chung sẽ không còn tâm lý chần chừ (wait-and-see) trong đầu tư ở Việt Nam, mà sẽ quyết tâm hành động vì Việt Nam đang được xem như một trong những nền kinh tế triển vọng cao nhất Đông Nam Á”.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn được nhìn nhận dễ bị tổn thương. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, tâm lý “kinh tế vĩ mô đã ổn định nên phải thúc đẩy tăng trưởng” có thể quay trở lại, vô hình trung sẽ dồn áp lực lên chính sách tiền tệ. “Gánh nặng tài khóa tiếp tục dồn lên vai chính sách tiền tệ, làm nhà điều hành rất khó khăn trong việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên”, Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Maritime Bank cho biết.
Trong lúc vừa phải giữ ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, đồng thời phải hạ tiếp mặt bằng lãi suất cho vay và hỗ trợ đủ nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế, thì việc phải “yểm trợ” cho Bộ Tài chính trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ trở nên nan giải, nếu không muốn nói là bất khả thi...
Trong năm 2015, không ít lần mục tiêu điều hành lãi suất của NHNN bị ảnh hưởng do phải hỗ trợ cho việc huy động vốn trái phiếu bù đắp thâm hụt ngân sách. Ở một số thời điểm, NHNN phải “nhường sân” cho Kho bạc Nhà nước hút bớt dòng tiền của hệ thống qua tín phiếu, làm giảm tính chủ động trong điều tiết cung tiền.
“Trong năm 2016, khả năng cân đối tiếp tục gặp khó khăn khi mức bội chi được nâng lên. Trong khi đó, tình hình huy động vốn trái phiếu Chính phủ trở nên khó khăn hơn khi lãi suất và lạm phát chịu áp lực tăng. Theo đó, việc điều hành chính sách tiền tệ đa mục tiêu trong thời gian tới được dự báo sẽ khó khăn hơn”, Trung tâm này dự báo.
Theo báo cáo trên, lãi suất thị trường mở (OMO) có khả năng vẫn giữ ổn định ở mức 5%/năm ít nhất cho tới cuối quý I/2016, do thanh khoản hệ thống vẫn tốt và áp lực đẩy lãi suất chưa đủ mạnh. Tuy nhiên, áp lực tăng lãi suất cũng đang lớn dần.
“Chúng tôi tiếp tục duy trì nhận định rằng, mặt bằng lãi suất sẽ chịu áp lực tăng dần khi cầu tín dụng ngày càng cải thiện và ảnh hưởng tiêu cực từ yếu tố biến động quốc tế tới thị trường tài chính trong nước ngày càng gia tăng”, báo cáo này cho biết.
Còn theo HSBC, kỳ vọng lạm phát sẽ tăng trở lại một cách rõ ràng trong nửa sau năm 2016 và dự báo lạm phát cả năm có thể ở mức 5,1%, vượt mức mục tiêu 5% đề ra. Với dự báo đó, HSBC tin rằng NHNN sẽ tăng lãi suất OMO 0,5%, qua đó đưa lãi suất này lên mức 5,5% vào quý III/2016.