Phải xây đặc khu với tầm nhìn lâu dài và vượt trội mới mong thành công (bài 1)
Tạo luật tự quản cho khu kinh tế | |
Kỳ vọng mô hình đặc khu kinh tế |
Ảnh minh họa |
Bài 1: Đã chậm thì đừng để muộn
Nếu chúng ta cứ cứng nhắc bám theo nguyên tắc cũ thì sẽ không ban hành được đạo luật tiến bộ có tính đổi mới, đột phá.
“Đề án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt rất mới, vấn đề rất lớn và phức tạp vì thế một chuyên gia không thể hiểu hết được nên cần sự tham gia của cả các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia pháp lý và an ninh – quốc phòng, nhà đầu tư… Vì thế ban soạn thảo đã mời các chuyên gia độc lập tham gia đóng góp cho dự thảo luật”, TS.Nguyễn Văn Phúc – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết.
Với vai trò chuyên gia độc lập phản biện dự thảo luật, ông Phúc khẳng định việc thành lập các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt không chỉ mang lại lợi ích cho địa phương nơi có đặc khu mà đây là kỳ vọng tạo tác động lan tỏa đến sự phát triển của cả vùng và của cả nước, gia tăng sức cạnh tranh quốc gia.
Ông tin rằng luật này sẽ được sự ủng hộ cao nhất của các đại biểu Quốc hội, của người dân. Chuyên gia tư vấn quốc tế cho dự án luật lưu ý với báo chí rằng “phải để cho người dân thấy các đặc khu này không chỉ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, mà chính người dân sẽ là những người được hưởng lợi”.
Ông Phúc nhắc lại 30 năm trước, tháng 12/1987, Quốc hội đã ban hành đạo luật về đầu tư đầu tiên – Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Lúc này Hiến pháp 1980 còn hiệu lực và tinh thần của Hiến pháp1980 là chỉ phát triển 2 thành phần kinh tế là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể vậy mà có luật về đầu tư nước ngoài thì đã là một đột phá, vượt trội, đón được tương lai. Đây là bộ luật kinh tế hấp dẫn nhất khu vực và đã mang lại sàn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đem lại nhiều thay đổi lớn cho đất nước.
Đến năm 1990, Hiến pháp vẫn chưa được sửa đổi, nhưng Quốc hội cũng đã ban hành Luật Công ty và Luật DN tư nhân chính thức công nhận kinh tế nhiều thành phần tạo ra sự đột phá, tinh thần kinh doanh được khích lệ và khơi gợi, tạo ra sự đột phá mới.
“Như vậy, nếu chúng ta cứ cứng nhắc bám theo nguyên tắc cũ thì sẽ không ban hành được đạo luật tiến bộ có tính đổi mới, đột phá như vậy. Tôi cũng tán thành với rất nhiều ý kiến rằng việc ban hành luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt bây giờ đã là rất chậm, không chỉ chậm với thế giới mà còn quá chậm so với định hướng của chính chúng ta”, ông Phúc khẳng định. Thế giới đang thay đổi rất nhanh, công nghiệp 4.0 đang ập đến, Việt Nam không thể chần chừ.
Từ năm 1992, trong Hiến pháp mới đã có nội dung về việc thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cho dù lúc đó chưa thực sự hình dung được đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt có hình hài ra sao, đây đã là một sự bắt kịp mới của tư duy. Rồi Khu kinh tế ven biển Chu Lai ra đời bằng một quyết định của Thủ tướng Chính phủ – một sự thay đổi tư duy mạnh mẽ. Tiếp đến là Khu kinh tế Dung Quất… Từ 1992 đến nay đã 25 năm. Việc xây dựng các đặc khu kinh tế cũng đã được đưa vào các Nghị quyết của các Hội nghị Trung ương Đảng từ năm 2011, và năm 2014 đã bắt đầu nghiên cứu xây dựng dự án luật này.
Đặc biệt với các điều ước quốc tế
“Việt Nam đang có những thay đổi chính sách vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng để bắt kịp thì luật này rất quan trọng. Luật này sẽ góp phần xây dựng niềm tin với nhà đầu tư, góp phần tăng tính cạnh tranh và tận dụng được lợi thế để mang đến thành công cho đất nước và con người Việt Nam”, ông Macrcin Milosz - chuyên gia tư vấn quốc tế cho ban soạn thảo đến từ tập đoàn Boston Consulting Group phát biểu.
Để có tính chất đặc biệt, vượt trội về thể chế, chính sách so với các luật hiện hành liên quan, luật đặc khu này sẽ áp dụng theo nguyên tắc: Các nội dung về quy hoạch, chính sách về kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu được áp dụng theo Luật này.
Những nội dung không quy định tại Luật này thì áp dụng quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này với quy định của các Luật có liên quan đến đặc khu thì áp dụng quy định của Luật này, trừ trường hợp chính sách được ban hành sau thuận lợi hơn chính sách quy định của Luật này.
Trường hợp Điều ước quốc tế có quy định khác với quy định của Luật này và pháp luật Việt Nam thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó, trừ trường hợp Luật này và pháp luật Việt Nam có quy định thuận lợi hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Được áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế đối với các hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài với điều kiện không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của Luật và không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh, dự thảo Luật quy định cho phép nhà đầu tư được đưa vụ tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh ra giải quyết tại tòa án nước ngoài, tuy nhiên cũng loại trừ một số tranh chấp không giải quyết tại tòa án nước ngoài để phù hợp với quy định tại Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Ông Marcin Milosz nói rằng: “Các bạn có may mắn của người đi chậm sẽ đúc rút được kinh nghiệm thành công, tránh được thất bại của người đi trước”. Tin tưởng Việt Nam có nhiều triển vọng và có cơ hội theo kịp Malaysia sau 20 năm nữa nhưng ông Patrick Tay, một chuyên gia tư vấn quốc tế cho dự án luật phát biểu “Phải liên tục nỗ lực không ngừng nghỉ bởi đây là cuộc đua martaton thực sự, không phải là cuộc đua tiếp sức” . Và Việt Nam cần có một luật đặc khu mà khung khổ pháp lý, chất lượng thể chế là nền tảng quan trọng của thành công.