Phải xây đặc khu với tầm nhìn lâu dài và vượt trội mới mong thành công (bài 2)
Đơn vị hành chính đặc biệt cần luật đặc biệt: Chọn phương án nào? | |
Kỳ vọng sự bứt phá ngoạn mục |
Ảnh minh họa |
Bài 2: Lo quá xa sẽ không ra được luật
Thiếu cơ chế đặc biệt cả về tổ chức chính quyền lẫn chính sách kinh tế xã hội thì không thể gọi là “đặc khu”. Phải xây đặc khu với tầm nhìn lâu dài và vượt trội mới mong thành công.
Đặc khu cần bộ luật siêu hạng
Việc thành lập các đặc khu kinh tế với những cơ chế, thể chế phải vượt trội đã nhận được sự đồng thuận cao cùng với nhiều sự thúc giục. “Các bạn cần phải có một bộ luật siêu hạng, không chỉ tập trung những gì tốt nhất hiện có mà phải là tốt nhất cho xu thế trong tương lai để không sớm lạc hậu”, ông Patrick Tay, Phó tổng giám đốc tư vấn chính sách Tập đoàn PWC (Malaysia), chuyên gia tư vấn quốc tế cho dự án luật phát biểu.
TS.Võ Trí Thành – nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhấn mạnh rằng: "Đặc khu phải là nơi thí điểm không chỉ cho thể chế mà còn cho những tư tưởng phát triển mới, là nơi thí điểm những 'trò chơi' mới, tất nhiên ở trong phạm vi có thể kiểm soát được".
“Phải xây đặc khu với tầm nhìn lâu dài và vượt trội mới mong thành công”, tinh thần này được thể hiện rõ nhất ở mô hình chính quyền địa phương và 25 điều của chương III quy định về chính sách phát triển kinh tế.
Nổi bật nhất là chính sách và thủ tục đầu tư kinh doanh. Ở đặc khu sẽ chỉ còn 108 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (theo Luật đầu tư là 243) là những ngành, nghề thật sự đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng. Trong đặc khu, thủ tục đầu tư kinh doanh đơn giản, nhanh gọn, giải quyết tại chỗ tại Trung tâm hành chính công. Nhà đầu tư nước ngoài được bình đẳng như nhà đầu tư trong nước, được thuê đất 70 năm đến 99 năm, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tài chính... khác nữa.
Trưởng đặc khu được trao khá nhiều quyền hạn trong khi ở đặc khu không có HĐND, UBND. Mặc dù dự thảo luật đã phòng ngừa nguy cơ lạm quyền, và để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các quyết định không phù hợp dự thảo đã đưa ra cơ chế giám sát trực tiếp của nhân dân bằng quy định Trưởng đặc khu phải thông báo kết quả hoạt động, tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại với nhân dân. Trưởng đặc khu phải báo cáo và chịu sự giám sát của Thủ tướng, các bộ ngành, HĐND và UBND. Nhưng vẫn không ít ý kiến băn khoăn như vậy dễ có nguy cơ lạm quyền và không đúng với Hiến pháp, lo có tìm đúng người tài hay không.
Kiên trì quan điểm “nếu cứng nhắc theo nguyên tắc sẽ không thể có được những luật tiên tiến như 30 năm trước ta đã làm được”, TS.Nguyễn Văn Phúc – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội khẳng định “nội dung dự thảo luật hoàn toàn theo Hiến pháp”.
Chưa thỏa mãn với mức vượt trội
Ở chiều thận trọng, ông Trần Quốc Vinh, phó giám đốc kinh doanh công ty TNHH Duy Anh đặt vấn đề cần kiểm soát vốn đầu tư, kinh nghiệm kinh doanh, nguồn gốc đăng ký sản phẩm của các nhà đầu tư, tránh tình trạng như tại các khu kinh tế cửa khẩu chỉ kiểm soát giấy phép nên hộ kinh doanh nhỏ lợi dụng chính sách khuyến khích của Nhà nước để buôn lậu.
Còn ông Nguyễn Đình Chúc, Viện hàn lâm khoa học Việt Nam lưu ý, thế giới hôm nay vẫn đang tiếp tục hình thành lập đặc khu với trình độ công nghệ 4.0, các chính sách ưu đãi trong dự thảo mới đạt được ở mức cơ bản chưa mang tính đột phá.
Để thu hút người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại đặc khu, dự thảo Luật quy định bổ sung cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được phép sở hữu nhà ở thông qua nhận chuyển nhượng từ tổ chức, cá nhân trong nước.
Quy định này cũng tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư từ cá nhân, tổ chức nước ngoài vào thị trường bất động sản của đặc khu. Nhưng để đảm bảo an ninh và quản lý nhà nước, dự án Luật quy định, giữ nguyên điều kiện tại Luật Nhà ở: đó tỷ lệ sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong đặc khu không quá 30% tổng số lượng căn hộ.
Ủng hộ tính đột phá của dự thảo nhưng GS.Đặng Hùng Võ – Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa thấy thỏa mãn với mức vượt trội của dự thảo luật. Ông nói: “Tôi có cảm giác như ban soạn thảo đang chịu áp lực của người phải “đẽo cày giữa đường” và đang phải nghe các ý kiến kiểu đầu cho mở cuối lại thắt”.
“Ở trên thì mở cho thuê tới 70 đến 99 năm, nhưng cứ lo mất đất, nên khống chế bằng tỷ lệ sở hữu nhà không quá 30%, như thế thì không phải là mở mà là vẫn đóng. Thử hỏi từ ngày cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà đến nay thì có bao nhiêu căn nhà thuộc sở hữu người nước ngoài?”, GS. Đặng Hùng Võ cho biết thêm.
Lo ngại là đúng, băn khoăn là có, nhất là về an ninh quốc phòng, nhưng theo ông Chúc: “Thiếu cơ chế đặc biệt cả về tổ chức chính quyền lẫn chính sách kinh tế xã hội thì không thể gọi là “đặc khu”. Phải trao quyền và không gian thoả đáng cho lãnh đạo đặc khu để họ có sự chủ động, tự chủ làm việc, phải vượt trội mới thành công, và quan trọng là sự giám sát trong quá trình thực thi, đó là quan điểm được đồng thuận cao. Còn ban soạn thảo vẫn tiếp thu ý kiến để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo để có được bộ luật vượt trội có tầm nhìn xa".
“Từ khi có những luật đột phá từ 30 năm trước đến nay đã có rất nhiều những cải cách và đổi mới nhưng chúng ta vẫn bảm đảm dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ và giám sát của nhân dân. Nếu quá lo “không bảo đảm” sẽ không có sáng tạo, không dám đổi mới như vậy sẽ không bao giờ làm được. Hãy nhìn kỹ từng điều khoản trong dự thảo luật sẽ thấy vẫn bảo đảm”, ông Phúc nhấn mạnh.
Và theo ông Patrick Tay: “Không có gì là hoàn hảo, nếu quá lo xa cho sự an toàn thì các bạn sẽ không ra được luật”.