ĐKKT chưa đột phá nhưng đã vượt trội
Đặc khu kinh tế: Cần kiểm soát quyền lực và chính sách phù hợp | |
Siết quản lý đất đai tại đặc khu kinh tế |
3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được quyết định thành lập với kỳ vọng sẽ là những cực tăng trưởng mới, lan tỏa sự phát triển ra toàn nền kinh tế và đây cũng sẽ là nơi thí điểm những thể chế vượt trội, những chính sách ưu đãi đặc biệt, chưa từng có tiền lệ để thu hút đầu tư. Và Dự án Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới. Liệu Luật này có thực sự là một nấc thang mới trong tư duy phát triển, có tạo ra được “đột phá” như kỳ vọng?
Các đặc khu ở Việt Nam cần xây dựng theo chiến lược công nghiệp tổng thể |
“Trên thế giới có hàng ngàn ĐKKT, khu công nghiệp, khu chế xuất và các loại hình tương tự nhưng chỉ có vài khu là thành công trong việc tạo ra các hoạt động kinh tế đáng kể. Phần lớn còn lại thì không. Vậy Việt Nam cần có những gì để các đặc khu thành công?”, ông Sebastian Eckardt – chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới phát biểu.
Thông điệp của ông Sebastian là các đặc khu ở Việt Nam phải xây dựng theo chiến lược công nghiệp tổng thể và thu hút đầu tư theo chiến lược tổng thể đó thì các đặc khu phải là “phòng thí nghiệm thể chế” với môi trường chính sách tốt, không nên thu hút đầu tư bằng nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, về thuế, như thế sẽ lại dẫn đến “một cuộc đua xuống đáy”.
Ông Teo Eng Cheong cho rằng trước hết phải xác định được mục tiêu rõ ràng. Tiếp theo là hoạch định các chính sách mới một cách táo bạo hoặc mở rộng các quy định hiện hành, nếu không sẽ thất bại. Để thành công, ĐKKT cần phải tạo cảm hứng đầy tự tin rằng nó sẽ khác so với các khu vực khác của đất nước. ĐKKT sẽ tồn tại hàng thập kỷ và lợi ích của nó có thể chỉ thấy được nhiều năm sau khi được xây dựng. Do đó, công tác quản lý dài hạn ở ĐKKT cần phải hiệu quả. Nếu ĐKKT có một tầm nhìn rõ ràng, thay đổi chính sách táo bạo, lựa chọn địa điểm cẩn thận, thiết kế thông minh và quản lý chặt chẽ thì sẽ là một cơ hội tốt để thành công.
“Chúng ta đang tiến rất gần tới đặc khu. Dự thảo luật này đã được thảo luận rất kỹ, đã được chỉnh lý sửa đổi nhiều lần, đã tham khảo đủ hết kinh nghiệm thế giới từ cả thành công lẫn không thành công”, theo PGS.TS. Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Việt Nam còn đang vật vã với khu công nghiệp, khu kinh tế thì trên thế giới ĐKKT đã tới thế hệ thứ 4, thứ 5, còn Việt Nam mới chỉ ở điểm xuất phát. “Đã xuất phát muộn mà muốn thành công thì chúng ta phải vượt lên. Việt Nam có cơ hội để vượt lên bằng các kinh nghiệm của quốc tế. Nhưng chúng ta có muốn vượt lên không”, PGS. Trần Đình Thiên đặt câu hỏi.
Thể chế vượt trội không chỉ là những cơ chế chính sách đặc biệt mà được kỳ vọng nhiều nhất là đột phá về mô hình chính quyền ở đặc khu. Theo dự thảo mới nhất, chính quyền địa phương tại đặc khu có Hội đồng nhân dân đặc khu (có 19 thẩm quyền) và Ủy ban nhân dân đặc khu (có 14 thẩm quyền) và ở dưới là bộ máy giúp việc của HĐND, UBND gồm Văn phòng giúp việc chung HĐND và UBND, các cơ quan chuyên môn.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, cố vấn đặc biệt của ban soạn thảo: tuy mô hình chính quyền đặc khu như dự thảo có HĐND và UBND nhưng đây là một sự đổi mới mạnh mẽ, là một sự vượt trội, sự khác biệt lớn so với cơ cấu tổ chức, mô hình chính quyền địa phương hiện hành. Đặc biệt, người đứng đầu đặc khu là Chủ tịch UBND đặc khu được giao thẩm quyền rất lớn với 70 thẩm quyền liên quan đến thực hiện hầu hết các thẩm quyền về điều hành, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội tại đặc khu.
Mô hình chính quyền đặc khu như dự thảo được cho là có đổi mới mạnh mẽ nhưng lại xa với kỳ vọng về một mô hình đột phá với thể chế vượt trội. Vấn đề đang đặt ra là cần hoàn thiện mô hình này như thế nào để khả thi, vận hành thông suốt và đáp ứng kịp thời các vấn đề phát triển ở đặc khu. Việc phân quyền cho chính quyền đặc khu như dự thảo luật có phù hợp với chính quyền cấp huyện hay không?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Hoàng Thế Liên băn khoăn làm sao có được người giỏi và cơ chế tuyển dụng người tài cho đặc khu. Hơn nữa, nhà đầu tư luôn cần sự an toàn mà pháp luật của Việt Nam thì đang thuộc hàng phức tạp nhất thế giới. Luật Đặc khu phải thể hiện sự phân quyền đầy đủ để luật đi vào cuộc sống, Luật này ban hành ra là thực thi được không cần phải hướng dẫn qua nghị định, thông tư thì mới hạn chế được những văn bản mang tính hành chính.
Hơn nữa, luật có tốt đến mấy thì vẫn đòi hỏi bộ máy thực thi cũng phải tốt. Do đó, phải có cơ chế tuyển chọn, sử dụng công chức thực tài. Cán bộ mà yếu thì những ý tưởng tốt đẹp cũng khó đi vào cuộc sống.
Với nhiều câu hỏi đặt ra cho mô hình chính quyền đặc khu, ông Phan Trung Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương của Bộ Nội vụ cho rằng, dự thảo luật mới nhất này đã qua nhiều lần chỉnh lý sửa đổi và đến nay tương đối đồng thuận. “Cá nhân tôi thấy mô hình này vẫn cơ bản đảm bảo sự đặc thù, về bộ máy tổ chức và phân quyền như dự thảo là quá mạnh rồi”.
Vấn đề cốt lõi và nền tảng của đặc khu là phải là “dám chơi” và “biết chơi”. Chúng ta đã “dám chơi” khi chủ trương thành lập đặc khu và ban hành luật, và cho dù có muộn cũng phải “quyết chơi”, TS.Võ Trí Thành – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phát biểu.