Phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu: Cần chính sách đủ hấp dẫn đầu tư
UBND Cao Bằng được lập quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu | |
NHNN sẽ chủ trì đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định thanh toán mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ |
Với ngành công nghiệp chế biến-chế tạo phát triển nhanh chóng, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, hoạt động của các khu kinh tế (KKT) cửa khẩu đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối nền sản xuất trong nước và ngoài nước;
Các hoạt động này vừa giúp tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, vừa đẩy mạnh thu hút đầu tư, mở rộng quy mô thị trường, tăng cường giao lưu hàng hóa, kích thích sản xuất và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, hiện việc phát triển các KKT cửa khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Cần thêm chính sách ưu đãi đặc thù cho KKT cửa khẩu |
KKT cửa khẩu đầu tiên ở Việt Nam là Móng Cái (Quảng Ninh). Từ năm 1996, Chính phủ bắt đầu tiến hành thí điểm xây dựng KKT Móng Cái thông qua việc phê duyệt một số cơ chế ưu đãi. Trên cơ sở này, năm 1998, Chính phủ tiến hành thí điểm ở quy mô rộng hơn với việc phê duyệt chính sách ưu đãi cho KKT cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Khu thương mại Lao Bảo (Quảng Trị). Đây là lần đầu tiên, tên gọi KKT cửa khẩu được sử dụng một cách chính thức.
Hiện nay, theo Quy hoạch phát triển các KKT cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước có 26 KKT cửa khẩu với tổng diện tích hơn 660 nghìn ha.
Hiện đã có 21 trong tổng số 25 tỉnh biên giới đất liền có KKT cửa khẩu được thành lập; còn 4 tỉnh dự kiến sẽ thành lập KKT cửa khẩu, bao gồm Nậm Cắn – Thanh Thủy (Nghệ An) và Na Mèo (Thanh Hóa) trước năm 2015; Đắk Per (Đắk Nông) và Đắk Ruê (Đắk Lắk) trong giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Trị sẽ được thành lập thêm 1 KKT cửa khẩu là La Lay.
Với những lợi thế về đường biên giới giáp với các nước, KKT cửa khẩu đã mang lại nhiều giá trị về giao thương hàng hóa. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các KKT cửa khẩu bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 25%, giai đoạn 2011-2015 đạt 20%, cao hơn tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu chung của cả nước trong cùng thời kỳ.
Đặc biệt, về thu hút đầu tư đã có sự cải thiện đáng kể. Đến nay, các KKT cửa khẩu trên cả nước đã thu hút được khoảng 800 dự án đầu tư, trong đó có 700 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký đầu tư trên 50.000 tỷ đồng, và khoảng 100 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 700 triệu USD.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, quá trình phát triển của các KKT cửa khẩu vẫn ghi nhận một số vướng mắc như: chưa có chính sách ưu đãi đột phá đối với nhà đầu tư các KKT cửa khẩu và DN đầu tư vào đây; thiếu sự ổn định trong các cơ chế, chính sách tài chính ban hành…
Với đầu tư, do các KKT cửa khẩu thường nằm tại các địa phương, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nên chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nên nguồn vốn phát triển hạ tầng luôn “thiếu trước hụt sau”. Hiện tại, tính trung bình nhu cầu nguồn vốn ngân sách trung ương cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại các KKT cửa khẩu hàng năm khoảng 1.500-1.700 tỷ đồng, trong khi hỗ trợ mới đạt khoảng 600-700 tỷ đồng/năm.
Với việc thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh vào các KKT cửa khẩu, hiện Chính phủ đã có nhiều cơ chế ưu đãi như dự án đầu tư vào KKT cửa khẩu được hưởng thuế suất thuế thu nhập DN là 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; được miễn thuế nhập khẩu tạo tài sản cố định và miễn thuế nhập khẩu 5 năm đầu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất nhập khẩu để phục vụ sản xuất; và một số ưu đãi khác như thuế đất đai, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân…
Tuy nhiên theo các chuyên gia, để đẩy mạnh và thu hút nhiều DN tham gia đầu tư hơn nữa vẫn cần có những chính sách ưu đãi đặc thù dành riêng cho các KKT cửa khẩu để phát huy lợi thế về quan hệ kinh tế, thương mại cửa khẩu biên giới, thu hút các kênh hàng hoá, đầu tư, thương mại, dịch vụ và du lịch.