Hóa giải “nút thắt” phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế
Thúc đẩy phát triển các loại hình khu công nghiệp mới Công bố điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên |
Chưa phát huy hết lợi thế
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến đầu năm 2023, cả nước có 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với tổng diện tích 766 nghìn ha; 19 KKT ven biển được phê duyệt với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha (tính cả diện tích mặt biển); 412 KCN đã được thành lập tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,8 nghìn ha, trong đó có 293 KCN đã đi vào hoạt động. Hiện tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 49,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71,1%. Trong 6 tháng năm 2023, cả nước có thêm 4 dự án hạ tầng KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đạt khoảng 1.420,4 ha.
Ưu tiên phát triển các mô hình KCN mới: KCN sinh thái, KCN- đô thị- dịch vụ, KCN hỗ trợ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh |
KKT, KCN đã thu hút được gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ đô la Mỹ. Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong KKT, KCN chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp trong KKT, KCN trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng nhanh, giai đoạn 2016 - 2020, giá trị xuất khẩu trung bình hằng năm của dự án trong KKT, KCN chiếm trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết việc làm cho hơn 3,9 triệu lao động trực tiếp, chiếm 8,3% lực lượng lao động của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tổng kết hoạt động thực tiễn của các KKT, KCN đã cho thấy không ít các tồn tại, hạn chế. Thông qua hoạt động kiểm toán, TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II chỉ ra “nút thắt” đầu tiên là quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, còn mang tính cục bộ, chưa được xem xét một cách tổng thể hài hòa lợi ích của quốc gia. Tính đồng bộ, gắn kết giữa quy hoạch phát triển KKT, KCN với các quy hoạch hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, sử dụng đất, đô thị và hạ tầng giao thông chưa cao. Việc phát triển KKT, KCN theo định hướng bền vững, hài hòa giữa công nghiệp, đô thị và dịch vụ, tạo liên kết, hợp tác, hình thành chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp trong và ngoài KKT, KCN chưa được chú trọng đúng mức. Thiếu kết nối với hạ tầng giao thông dẫn đến không phát huy hết lợi thế đầu tư của các KKT, KCN, gây lãng phí nguồn lực xã hội; Chưa đáp ứng được tính liên kết vùng.
Nhiều KKT, KCN chú trọng đến vấn đề giải quyết việc làm hơn là tìm kiếm các ngành nghề tiên phong mang tính đột phá. Bên cạnh đó là sự khác biệt trong chính sách ưu đãi giữa các địa phương; vẫn tập trung phát triển theo “chiều rộng”, thu hút mạnh nhà đầu tư thứ cấp. Qua kết quả kiểm toán cho thấy, tính hiệu quả của các KKT chưa đạt được mục tiêu Đề án thành lập, các mục tiêu hầu hết ở mức thấp như: Thu ngân sách nhà nước đạt 24,7%; giải quyết việc làm phi nông nghiệp đạt 22%; kim ngạch xuất khẩu đạt 72%...
Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho KKT, KCN
Nhìn nhận phát triển KCN, KKT là mô hình, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, hài hòa giữa các vùng miền, ngành, nghề, các chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong và ThS. Nguyễn Trần Minh Trí đề xuất: cần thiết phải triển khai xây dựng Luật Khu Kinh tế, Khu công nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển KCN, KKT, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đồng thời tạo khung pháp lý thống nhất để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Các chính sách thu hút đầu tư vào KCN, KKT cần được xây dựng và hoàn thiện theo hướng sàng lọc dự án, cơ chế đánh giá và kiểm soát bảo đảm an ninh, quốc phòng. Chất lượng thu hút đầu tư vào KCN cần được cải thiện với việc tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đặc biệt là các ngành nghề được xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Việt Nam; Ưu tiên phát triển các mô hình KCN mới: KCN sinh thái, KCN- đô thị- dịch vụ, KCN hỗ trợ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên mô hình quản lý tiên tiến; hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung.
Bên cạnh đó, các phương thức hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT cần được đa dạng hóa, khuyến khích huy động nguồn lực tư nhân và hình thức đối tác công - tư trong xây dựng, phát triển KCN, KKT. Kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư phải được xây dựng thống nhất trên phạm vi cả nước, tập trung xúc tiến đầu tư theo vùng để tăng cường hiệu quả, tránh chồng chéo. Hoạt động đầu tư cần được thực hiện có trọng điểm, tập trung ưu tiên một số đối tác lớn, quan trọng và những ngành nghề, lĩnh vực có lợi thế của Việt Nam. Đối với dự án đầu tư có tác động lan tỏa lớn đối với các KCN, KKT, cho phép áp dụng cơ chế đàm phán ưu đãi đầu tư như một số quốc gia đã áp dụng như: Malaysia, Singapore…
TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II khuyến nghị: Quy hoạch và phát triển KKT, KCN phải bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với khả năng thu hút đầu tư, gắn với liên kết vùng, hình thành các vùng công nghiệp trọng điểm, bảo tồn hệ sinh thái, phát triển bền vững. Chú trọng đầu tư nhiều hơn cho khâu quy hoạch do những sai sót, bất cập ngay từ khâu quy hoạch dẫn đến các hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển các KKT, KCN. Xem xét quy hoạch phát triển các KKT, KCN đồng bộ với quy hoạch tổng thể, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất. Ông cũng nhấn mạnh việc cần hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KKT, KCN theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của KKT, KCN theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tập trung phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai sót, ngăn ngừa các rủi ro sai sót ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các KKT, KCN...