Kỳ vọng từ mô hình “hai nước, một khu kinh tế”
Sớm nở, tối tàn
Năm 1998, Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo, được thành lập với tên gọi ban đầu là Khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo, được áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới Việt Nam và Lào cụ thể là ở hai địa phương Quảng Trị (Việt Nam) và Savannakhet (Lào).
Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo có vị trí thuận lợi, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch thuộc Hành lang Kinh tế Đông - Tây, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế, hạ tầng giao thông quan trọng của khu vực, thuận lợi để phát triển các ngành dịch vụ như vận tải và logistics, thương mại, du lịch… Đến nay, khu kinh tế thương mại đặc biệt này đã có những đổi thay mạnh mẽ, hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và đời sống dân sinh tại khu vực. Việt Nam và Lào cũng đã xây dựng được những cơ chế, chính sách về quản lý và điều hành hoạt động thương mại biên giới tương đối toàn diện, bao gồm quy định về xuất nhập cảnh người và phương tiện; quy định về hàng hóa được mua bán, trao đổi qua biên giới…
Tuy nhiên trên thực tế với nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng; có những hạn chế bất cập về cơ chế chính sách cần được tháo gỡ. Cho dù khu kinh tế đặc biệt này cũng đã có những chính sách đặc biệt riêng, nhưng như nhiều khu kinh tế thương mại khác trong cả nước, nơi đây cũng rơi vào cảnh “sớm nở tối tàn”, khi các chính sách ưu đãi… hết hiệu lực.
Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị). |
Bởi vậy, dù từng được kỳ vọng nhất nhì ở khu vực miền Trung, song trên thực tế hiện nay trong khu kinh tế này nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa, các dự án hoạt động cầm chừng. Hệ thống siêu thị, cửa hàng miễn thuế mọc lên san sát thủa nào, nay đã im ỉm cửa đóng then cài; đổi chủ, đổi mục đích kinh doanh hoặc ngừng hoạt động. Đơn cử như Siêu thị Thiên Niên Kỷ có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, khai trương vào năm 2009. Sau hơn 5 năm hoạt động, siêu thị đóng cửa, chuyển đổi công năng thành nhà kiểm tra liên hợp của Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.
Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo đang “chậm lớn”, đã khiến việc thành lập Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan, trở nên cấp thiết hơn và được tỉnh Quảng Trị và Savannakhet cùng quan tâm, với kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của hai địa phưng, kết nối các khu kinh tế biên giới, thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Hy vọng “làn gió mới”
Trên thực tế, trong xu hướng toàn cầu hóa, việc áp dụng thí điểm các mô hình khu kinh tế thương mại xuyên biên giới, hay khu thương mại tự do không phải là chuyện hiếm. Bởi vậy, việc nghiên cứu xây dựng Khu Kinh tế thương mại đặc biệt xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Việc hình thành Khu Kinh tế thương mại đặc biệt xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan hứa hẹn sẽ là “làn gió mới”, với những chính sách hấp dẫn, thống nhất ở cả khu vực sẽ trở thành điểm đến mới của các nhà đầu tư; tạo cơ hội mới cho cư dân hai bên biên giới trong phát triển kinh tế, xã hội. Lao Bảo - Densavan sẽ trở thành “địa chỉ vàng”, sôi động trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC); thúc đẩy hoạt động giao thương trên EWEC qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo phát triển chưa như kỳ vọng. |
Theo đề án “Xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan” có tổng diện tích đề xuất là là 3.224 ha; trong đó, diện tích phía Việt Nam là 1.724 ha; diện tích phía Lào là 1.500 ha. Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới này dự kiến vận hành theo mô hình “hai nước, một khu kinh tế” có chung cơ chế, chính sách và quản lý vận hành; có các chính sách ưu đãi đặc biệt với nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Trên cơ sở tuân thủ các yêu cầu pháp lý của cả hai bên và thông lệ quốc tế, Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan thống nhất trong một quy hoạch khu vực chung, tổ chức và vận hành chung, xây dựng hạ tầng chung trong khu trung tâm và các cơ sở hạ tầng kết nối.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, “để Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan sớm đi vào vận hành và hoạt động có hiệu quả, tỉnh Quảng Trị đã xác định bên cạnh việc phối hợp nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, thì phải đồng thời tiến hành điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và phối hợp với tỉnh Savannakhet điều chỉnh quy hoạch Khu Thương mại biên giới Densavan phù hợp với định hướng phát triển mới và tích cực quảng bá thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật tại hai khu kinh tế, cả ba nội dung trên đang được tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet phối hợp triển khai thực hiện…
Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc xây dựng và phát triển Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan có ý nghĩa chiến lược trong thúc đẩy kết nối kinh tế Việt Nam - Lào. Từ đó, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Lào và bảo đảm quốc phòng, an ninh cho cả hai nước. Xây dựng và phát triển khu kinh tế thương mại này trở thành nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hợp tác, kết nối vùng và kết nối khu vực.
Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo đang “chậm lớn”, khiến việc thành lập Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan, trở nên cấp thiết. |
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan như một hình mẫu phát triển mới căn bản và thực chất, cần hướng tới hệ tiêu chuẩn thể chế dành cho khu thương mại tự do đẳng cấp cao của thế giới. Hiện, một số địa phương khác của Việt Nam cũng đang nỗ lực xây dựng “thí điểm” thể chế phát triển này. Hải Phòng hay Đà Nẵng đang tích cực tìm kiếm hình mẫu thể chế cho khu thương mại tự do của mình trong tương lai. Trong trường hợp này, lợi thế đi sau của Quảng Trị là nổi bật, cần được tận dụng và phát huy tối đa, giảm thiểu nguy cơ rủi ro khi hành động đơn độc…
Được biết, đến nay lãnh đạo hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet đã thống nhất đề nghị các bộ, ngành hữu quan của hai nước tham mưu Chính phủ Việt Nam và Lào ký kết hiệp định về thí điểm xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan. Từ đó, có cơ sở pháp lý để tỉnh Quảng Trị và Savannakhet căn cứ xây dựng các quy chế phối hợp trong quản lý, vận hành khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung đầu tiên giữa hai nước vốn có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt.