Phê duyệt dự án đầu tư công: Vẫn băn khoăn phân cấp trung ương, địa phương
TIN LIÊN QUAN | |
Đầu tư công vẫn ngóng luật | |
Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi): Có nên giao quyền tự quyết cho địa phương? |
Toàn cảnh Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (21/2) |
Sáng nay (21/2) mở đầu Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Cần ưu tiên sửa những điều, khoản thực sự vướng mắc
Đây là dự thảo Luật quan trọng nên nhiều ý kiến cho rằng, chỉ tập trung sửa đổi những nội dung vướng mắc trong thực tế và đã đánh giá kỹ tác động, những nội dung không có vướng mắc hoặc chưa đánh giá kỹ tác động thì không sửa đổi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Luật Đầu tư công hiện hành đã giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc, đặc biệt là tránh được tình trạng đầu tư dàn trải, do đó phải thận trọng, cân nhắc.
Chủ tịch Quốc hội dẫn thực tế cho thấy phần nhiều ách tắc là do tổ chức thực hiện chứ không phải hoàn toàn do luật.
“Quan điểm của tôi là nhiều ý kiến cứ đổ thừa cho Luật Đầu tư công. Nên giờ điểm nào bất hợp lý thì sửa chứ đừng có sửa lại tiếp tục bất hợp lý. Phạm vi, tên gọi thế nào không quan trọng miễn là sửa cái nào ra cái đó, để không thể nói ách tắc do luật nữa” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đưa ra quan điểm: Luật Đầu tư công hiện hành có đời sống quá ngắn mới gần 4 năm mà nay đã rục rịch sửa, nên theo tôi phải cân nhắc sửa những điều nào thực sự vướng mắc chứ không phải nhân cơ hội này thì sửa cả một số điều chưa cấp bách.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, sửa luật để tháo gỡ những vướng mắc nhưng sửa xong phải ổn chứ không phải sửa xong lại phát sinh vướng mắc mới, chồng chéo vướng mắc. “Nếu sửa tới 80 Điều, trong khi có những điều chưa cần thiết phải sửa thì cần cân nhắc.” – ông Định nói.
Mức vốn đầu tư dự án quan trọng quốc gia tăng lên 35.000 tỷ đồng là quá cao
Đi vào một số vấn đề cụ thể của nội dung dự thảo Luật, nhiều ý kiến phát biểu quan tâm đến nội dung tiêu chí phân loại dự án trong điểm và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Với nội dung điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C theo các đại biểu thì đây là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành.
Ông Phạm Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, vấn đề đưa ra tiêu chí phân loại dự án trọng điểm quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ đồng hay 35.000 tỷ đồng phải đưa ra được tiêu chí thuyết phục nếu không thì khó có cơ sở.
Ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Với quy định như Luật hiện hành, mới chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội và không có vướng mắc gì. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, chỉ số CPI đã tăng khoảng 10%, quy mô thu ngân sách tăng khoảng 55%, chi ngân sách cho đầu tư phát triển tăng khoảng 120%, quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn, để Luật sửa đổi lần này phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đề nghị mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng thêm 50% so với quy định hiện hành, lên 15.000 tỷ đồng.
Tại Điều 17, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) quy định, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sau đây: Chương trình mục tiêu quốc gia; Dự án quan trọng quốc gia. Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương trừ các chương trình quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn nhà nước ngoài ngân sách do các bộ, cơ quan trung ương quản lý và các dự án quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Luật này...
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, quy định này sẽ dẫn đến các chương trình, dự án sử dụng “một phần vốn ngân sách Trung ương” đều phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể dẫn đến có quá nhiều dự án cần phải trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Tương tự như vậy, HĐND, UBND cấp tỉnh cũng phải xem xét, quyết định khá nhiều dự án do địa phương quản lý. Do đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng cần phân cấp mạnh hơn và tạo tính chủ động cho các cấp quản lý ngân sách ở địa phương. Theo đó, đối với dự án hỗn hợp sử dụng vốn ngân sách địa phương và nguồn “Thu bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương” do HĐND cấp tỉnh quyết định.
Tuy nhiên, Cơ quan soạn thảo cho rằng, để đảm bảo chặt chẽ trong quản lý các nguồn lực đầu tư công thì các dự án sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp quản lý khác nhau, cấp cao nhất có vốn thuộc cấp mình quản lý tham gia đầu tư chương trình quyết định chủ trương đầu tư.
Góp ý thêm cho dự thảo Luât, bà Lê Thị Nga cho rằng, qua theo dõi thực tế các dự án thì cũng còn có dự án đầu tư công xuống cấp nhanh, tiến độ triển khai chậm. Đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng trong các dự án đầu tư công. Trong hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đều nói đến tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công. Do đó, sửa Luật này phải đảm bảo phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công tốt hơn.
Chủ trì nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, ban soạn thảo cùng các cơ quan của Quốc hội rà soát để sửa Luật với tinh thần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển, hạn chế sửa mà phá vỡ Luật và cũng không nhất thiết phải sửa cả 80 Điều của Luật Đầu tư công. Những nội dung góp ý tại phiên họp này cần tiếp tục điều chỉnh để thảo luận thêm tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình ra Quốc hội thảo luận.