Phòng ngừa rủi ro hợp đồng xuất khẩu
Phấn đấu đến 2020, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 8-9 tỷ USD | |
Tiếp tục xuất siêu 100 triệu USD trong nửa đầu tháng 9 | |
Nâng chất và lượng hàng dệt may vào Mỹ |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8/2017 ước đạt 749 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu mặt hàng này 8 tháng qua ước đạt 5,13 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016. Mới đây, Mỹ đã thông báo sẽ kiểm tra 100% các lô cá tra, cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, đây chỉ là một trở ngại mà các DN trong nước có thể vượt qua, nếu chú trọng sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh. Và dự kiến thời gian tới, kim ngạch và giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng, nhưng không đáng kể.
DN nên thường xuyên theo dõi báo chí, thông qua một số cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để tìm hiểu thông tin cảnh báo, nhất là đối với những trường hợp khách hàng mới |
Điều đáng lo lắng hơn, thời gian qua một số DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam gặp phải những rủi ro trong quá trình ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài. Cụ thể là hàng đã xuất đi nhưng không thu được tiền về.
Giám đốc một DN xuất khẩu thủy sản tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, 2 năm trước công ty ký một hợp đồng xuất khẩu cá tra, ba sa trị giá hàng trăm nghìn USD theo phương thức thanh toán D/A (nhờ thu trả chậm) cho một công ty có trụ sở tại Hà Lan. Việc giao hàng đã diễn ra trong một thời gian dài, tuy nhiên sau khi hợp đồng kết thúc, DN đã liên lạc nhiều lần, yêu cầu chuyển tiền chi trả. Song, đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa nhận được số tiền mà phía bạn hàng nước ngoài phải hoàn thành nghĩa vụ thanh toán.
Bức xúc, DN của Việt Nam có tìm kiếm thông tin của đối tác nước ngoài nhưng cuối cùng như "mò kim đáy bể", vì công ty có nguồn gốc tận châu Phi nhưng do một cá nhân người Hà Lan đứng tên, trong khi ký hợp đồng hai bên lại đàm phán thông qua môi giới là người Trung Quốc.
Tương tự, đã có nhiều trường hợp như vậy do hợp đồng ký kết không rõ ràng, lúc xảy ra tranh chấp, lừa đảo cũng không biết kiện ai. Nguyên do vì DN trong nước không tìm hiểu rõ ràng thông tin và các điều khoản khi giao kết. Trong thực tế, rất nhiều trường hợp DN Việt Nam khi giao dịch thì với một đối tác, nhưng khi ký hợp đồng lại với một tư cách pháp nhân khác mà bản thân DN không nắm rõ. Chỉ đến lúc không thu được tiền hàng, tranh chấp mới biết đối tác đứng ra giao dịch chỉ là đại lý và không chịu trách nhiệm pháp lý. Một khi đối tác nước ngoài có ý định lừa đảo, mà phương thức thanh toán lại không chắc chắn, phụ thuộc vào người mua thì việc đòi tiền rất khó thực hiện được. Lúc này, DN bắt buộc phải thông qua luật sư để tiến hành các thủ tục gây sức ép hoặc khởi kiện tại tòa án.
Ông Nguyễn Đình Hậu, Phó giám đốc Công ty Thủy sản Bền Vững cho biết, do thủy sản là hàng hóa có trị giá cao, nên các đối tượng nước ngoài có ý định lừa đảo thường tập trung nhiều vào mặt hàng này. Hơn nữa, đây lại là loại thực phẩm tươi sống nên rất dễ vướng các rào cản kỹ thuật, quy chuẩn VSATTP, nên đối tác rất dễ có cớ để trì hoãn và từ chối thanh toán. Thế nên, nếu có trục trặc thì rõ ràng phần thua thiệt sẽ thuộc về các DN xuất khẩu.
Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Hằng, Phó trưởng Khoa đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp cho rằng, Công ước Viên có những điều khoản quy định chặt chẽ quyền và nghĩa vụ của các bên, chỉ rõ biện pháp chế tài xử phạt khi vi phạm hợp đồng cũng như các vấn đề bồi thường thiệt hại, hủy hợp đồng và bảo quản hàng hóa. Vì vậy, tham gia Công ước Viên là một bước tiến lớn với ngành thủy sản, giúp chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản. Các DN cần nhanh chóng nắm vững và vận dụng thành thạo Công ước trong việc soạn thảo hợp đồng để tạo lợi thế cạnh tranh cho mình.
Để phòng tránh những rủi ro không thu được tiền hàng khi làm ăn với đối tác nước ngoài, Vụ Thị trường châu Âu Bộ Công Thương đưa ra lời khuyên với các DN xuất khẩu thủy sản. Cụ thể, đối với khách hàng mới quen hoặc mới giao dịch, DN cần yêu cầu phía đối tác cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh và tra cứu thông tin trước khi tiến hành thương thảo.
Đồng thời, khi giao dịch phải sử dụng phương thức thanh toán chặt chẽ, an toàn nhằm đảm bảo thu hồi tiền hàng. Công ty nước ngoài cũng như công ty Việt Nam khi đã đăng ký kinh doanh đều có tư cách pháp nhân, tuy nhiên, còn rất cần chú ý tới khả năng chuyên doanh, số lượng nhân viên, tình hình tài chính, các điều khoản hợp đồng mà khách hàng đưa ra…
Đặc biệt, cần chú ý tư cách pháp lý của cá nhân hay công ty giao dịch và công ty đứng ra ký kết hợp đồng. DN nên thường xuyên theo dõi báo chí, thông qua một số cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để tìm hiểu thông tin cảnh báo, nhất là đối với những trường hợp khách hàng mới.