Nâng chất và lượng hàng dệt may vào Mỹ
DN dệt may chưa tận dụng các ưu đãi | |
Xuất khẩu sang EAEU sẽ nhiều thách thức |
Mới đây, tại Ngày hội Cotton day 2017 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, với sự nỗ lực của các DN ngành dệt may, trong 8 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu dệt may đã có sự tăng trưởng khá tốt, kim ngạch xuất khẩu tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 19,8 tỷ USD. Hiện xuất khẩu dệt may sang Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất của ngành, lên đến khoảng 51% thị phần xuất khẩu.
Ngành kéo sợi Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu bông nhập khẩu |
Tuy vậy, ngành kéo sợi Việt cũng đang phải nhập khẩu bông từ nhiều quốc gia trên thế giới với chất lượng khác nhau. Trong nước, diện tích trồng bông trong những năm gần đây ngày càng thu hẹp, chỉ đáp ứng lượng nhỏ trong tổng nhu cầu của toàn ngành.
Trong khi đó, bông Mỹ được đánh giá có chất lượng tốt nhất cho ngành kéo sợi Việt Nam, do có ít tạp chất và được kiểm soát chặt về quy trình sản xuất. Chính vì vậy, Vitas đã tăng cường phối kết hợp cùng Hiệp hội Bông Mỹ để nhập nguồn nguyên liệu chất lượng tốt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thông qua việc sử dụng nhãn treo USD CottonTM cho sản phẩm nguyên liệu này.
Điều mà không riêng gì Vitas mà các DN sản xuất xuất khẩu hàng hóa trong lĩnh vực dệt may tỏ ra khá lo lắng chính là thời gian qua, ngành dệt may đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có áp lực từ thuế chống bán phá giá sợi của EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Ấn Độ... Song song với đó là áp lực về nguồn nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng cho sản phẩm xuất khẩu cũng luôn được đặt ra.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, diện tích trồng bông vải tại Việt Nam đã dần thu hẹp, trước đây còn cung ứng được 7% nhu cầu nhưng hiện nay chỉ cung ứng được 0,04%. Như vậy, rõ ràng ngành kéo sợi Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu bông nhập khẩu chiếm 99,6% tổng lượng bông sử dụng. Lượng bông nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh trong 10 năm trở lại đây, từ 150.000 tấn trong năm 2005 lên khoảng 1,2 triệu tấn trong năm 2016.
Trong đó bông Mỹ luôn chiếm tỷ trọng lớn. Trong 7 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 808.000 tấn bông, trị giá 1,47 tỷ USD, tăng 32,6% về lượng và gần 58% về giá trị so với cùng kỳ ngoái, trong đó, thị phần bông Mỹ đạt 60%, đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự phát triển của bông Mỹ tại Việt Nam.
Giám đốc DN dệt may tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay trên thế giới nhiều bạn hàng tin tưởng sản phẩm may mặc có sử dụng nguồn nguyên liệu bông sợi từ Mỹ, với 51.000 dòng sản phẩm và 3,8 tỷ sản phẩm. Hiện có đến 80% khách hàng tin tưởng lựa chọn sản phẩm may mặc được làm ra từ bông Mỹ không chỉ bởi chất lượng, sự nhất quán, có thể truy xuất nguồn gốc mà còn mang giá trị bền vững và an toàn với con người.
Như vậy, DN sẽ thuận lợi hơn khi chào hàng và tìm kiếm bạn hàng bởi sản phẩm được làm ra từ nguồn nguyên liệu tốt, được ưa chuộng. Dưới góc độ của DN và nhà kinh doanh, khi lựa chọn nguồn nguyên liệu đảm bảo, DN có thể hoàn toàn yên tâm về màu sắc, độ mịn, tính ổn định sản phẩm nên không còn phải lo lắng về vấn đề bị trả lại hàng, giá trị sản phẩm vì thế cũng được nâng lên.
“Nhìn xa hơn, nói về thặng dư thương mại trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ thì ngành dệt may có tỷ trọng lớn nhất. Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ các sản phẩm dệt may mà được sản xuất bằng nguyên liệu nhập từ Mỹ chẳng khác nào có được tấm vé thông hành đảm bảo. Như vậy, đây là mối quan hệ tương hỗ qua lại, vì lợi ích của cả hai bên” – vị Giám đốc phân tích.
Theo bà Mary Tamowka, Tổng lãnh sự Mỹ, nhằm nâng cao vị thế của ngành dệt may Việt Nam tại thị trường xuất khẩu sang các nước, cũng như thúc đẩy giao thương giữa hai nước Mỹ - Việt Nam, Hiệp hội Bông Mỹ nên kiến nghị với Chính phủ có cơ chế chính sách đặc thù cho ngành bông Mỹ đưa sản phẩm vào kho ngoại quan để ngành kéo sợi Việt Nam tiếp cận với sản phẩm bông Mỹ một cách thuận tiện, dễ dàng hơn, giúp rút ngắn thời gian mua hàng và giảm chi phí cho DN Việt Nam.