Quan ngại tăng trưởng trong dài hạn
Lo tăng trưởng khó đạt, lạm phát chịu nhiều sức ép | |
PAPI 2016: Người dân chọn môi trường hơn tăng trưởng kinh tế | |
Phải có đối sách tốt hơn để khắc phục tình trạng tăng trưởng thấp |
Khi sản xuất yếu thế
Chỉ với bộ máy rất gọn nhẹ gồm 5 người, một công ty phân phối đồ nội thất tại Khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội) đã “sống khoẻ” hơn 1 năm nay, với mức lương chi trả trung bình cho mỗi thành viên khoảng hơn 30 triệu đồng/tháng. Giám đốc DN này chia sẻ, bí quyết để sản phẩm của DN bán “chạy như tôm tươi” là nhờ tìm được nguồn hàng riêng, sản phẩm đa dạng, mẫu mã không “đụng hàng”, đón đầu nhu cầu trang trí nhà cửa trong bối cảnh thị trường bất động sản bình dân tăng trưởng khá thuận lợi trong năm vừa qua.
Để tăng trưởng bền vững phải dựa vào nền tảng sản xuất của DN trong nước |
Đây là một trong số gần 10.000 DN đã chính thức đi vào hoạt động trong năm 2016 và may mắn là vẫn tồn tại cho tới thời điểm hiện nay. Đây cũng là DN nằm trong số hơn 85% DN thành lập mới trong năm qua, hoạt động trong lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Mặc dù có nhiều cơ hội kinh doanh đã được DNNVV như công ty nói trên tận dụng thành công, song cơ quan thống kê đặc biệt lưu ý rằng sự nở rộ tới mức áp đảo của khối DN trong lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa xe máy, chủ yếu thực hiện việc mua đi bán lại, sẽ không tạo ra nền tảng vững chắc cho tăng trưởng.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết thêm, cũng trong năm 2016 vừa qua, chỉ có hơn 12% DN mới thành lập hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Đây mới là khối DN thực sự tạo ra sản phẩm hàng hoá vật chất cho nền kinh tế, tạo ra nền móng bền vững cho tăng trưởng.
Sự lép vế của khối DN sản xuất đã phần nào lý giải nguyên nhân tại sao trong năm 2016, thành lập DN đạt con số kỷ lục, song lại chưa tạo được đà cho nền kinh tế bật lên trong quý I/2017, như kỳ vọng trước đó của Tổng cục Thống kê và các cơ quan quản lý. Theo đó, một trong những lý do khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng thấp là do khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá Việt Nam trên thị trường nội địa còn kém.
Khi nền tảng là khối DN sản xuất còn yếu thế, thì số lượng DN thành lập mới dù cao cũng sẽ không có nhiều ý nghĩa. Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong số hơn 110.000 DN đăng ký thành lập trong năm 2016, có 98.700 DN đi vào hoạt động, chiếm tỷ lệ 89,7%. Đây là tỷ lệ rất cao trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, quy mô DN vẫn chủ yếu là nhỏ và vừa, vốn ít, đóng góp không nhiều… “Phải nhìn vào cơ cấu DN mới thành lập chứ không phải chỉ trông vào số lượng DN mà kỳ vọng sẽ lập tức thúc đẩy tăng trưởng”, ông Lâm phân tích.
Cơ cấu lại động cơ DN
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại, khi thiếu nền tảng sản xuất, khối DN trong nước sẽ rơi vào tình cảnh “sớm nở tối tàn”. Ông dẫn chứng, quý I/2017, cả nước có 26.478 DN đăng ký thành lập mới, song cũng có tới 23.904 DN tạm ngừng hoạt động và hoàn tất thủ tục giải thể. Như vậy tính chung cả quý, nền kinh tế chỉ có thêm khoảng hơn 2.000 DN thực sự đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý rằng sự tham gia chóng vánh của DN vào thị trường cũng gây lãng phí một nguồn lực không nhỏ. Ông Kiên dẫn chứng, để đầu tư ban đầu và có thể chính thức hoạt động, một DN sẽ phải bỏ ra số tiền tối thiểu là khoảng 70-100 triệu đồng. Như vậy, khi có tới gần 24.000 DN tạm ngừng hoạt động và hoàn tất thủ tục giải thể, đã làm bất động khoảng 2.000 tỷ đồng số tiền đầu tư ban đầu này.
Như vậy là sự lãng phí nguồn lực rất lớn. Bình luận về vấn đề này, ông Kiên cho rằng chúng ta đã tạo điều kiện thuận lợi để DN gia nhập thị trường, nhưng các thủ tục hành chính đằng sau vẫn phức tạp và tốn kém, chính là nguyên nhân khiến DN mở ra song khó tồn tại lâu dài.
Thực tế này cho thấy khối DN trong nước vẫn chưa thể trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, như các dự báo từ năm 2016. Các khảo sát gần đây cũng cho thấy rằng, phong trào khởi nghiệp, thành lập DN tuy lên cao trong năm vừa qua, song lại chưa được đẩy mạnh vào các lĩnh vực có khả năng cạnh tranh và tiềm năng phát triển, để tạo thành nền tảng vững chắc cho tăng trưởng.
Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp (GEM) Việt Nam 2015/16 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện đã cho thấy, các hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khởi nghiệp ở Việt Nam đang chủ yếu hướng đến phục vụ người tiêu dùng, với tỷ lệ 74,5%. Tỷ lệ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chế biến và phục vụ DN thấp hơn nhiều so với các nước phát triển ở giai đoạn cao hơn.
Cùng với đó, báo cáo Gem khuyến cáo: “để một nền kinh tế phát triển chuyển sang giai đoạn cao hơn, cần có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chế biến và phục vụ DN, giảm tỷ trọng các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực khai thác và phục vụ người tiêu dùng”.
Các chuyên gia nhấn mạnh, cần cơ cấu lại động cơ DN, quan trọng là khối DN trong nước, lựa chọn ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến hay công nghiệp chế tạo để tạo ra sản phẩm hàng hoá có hàm lượng nội địa cao, thay vì tiếp tục phát triển theo hướng mua đi bán lại sản phẩm hàng hoá ngoại nhập trên chính sân nhà như hiện nay.