Phải có đối sách tốt hơn để khắc phục tình trạng tăng trưởng thấp
Chỉ số PMI tháng 3 tiếp tục tăng lên 54,6 điểm, cao nhất kể từ tháng 5/2015 | |
Nền kinh tế khởi động chậm chạp | |
Tăng trưởng thấp hơn, song nền tảng tốt hơn |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017. Ảnh: VGP |
Kinh tế chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều thách thức
Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm, Chính phủ thống nhất đánh giá trong bối cảnh kinh tế thế giới tuy có những dấu hiệu khởi sắc nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, kinh tế trong nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Theo đó, CPI 3 tháng tăng 0,9% (cùng kỳ tăng 0,99%), chủ yếu do giá dịch vụ y tế tăng.
Đáng chú ý tăng trưởng tín dụng cao (đạt 2,81% trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 1,54%) cho thấy khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế đã tốt hơn.
Bên cạnh đó, xuất khẩu có bước bứt phá khá tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định khi tăng tới 12,8% so với cùng kỳ, đạt trên 43,7 tỷ USD. Vốn FDI tăng mạnh, đăng ký đạt 7,71 tỷ USD tăng 77,6% (bao gồm cấp mới, tăng vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài), thực hiện đạt 3,62 tỷ USD tăng 3,4%. Các khu vực nông nghiệp và dịch vụ cũng có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I ước tăng 2,03% so với cùng kỳ năm 2016...
Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh (có trên 26,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,4% về doanh nghiệp và 45,8% về vốn đăng ký), tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 600.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1% là thấp; khu vực nông nghiệp và dịch vụ tăng khá nhưng sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ. Quý I năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng của quý I các năm từ 2012. Nguyên nhân chính là công nghiệp khai khoáng như khai thác dầu sụt giảm mạnh; cùng với đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vì nhiều lý do khác nhau chưa đạt kế hoạch đề ra.
Xuất khẩu nếu loại trừ yếu tố giá cũng chỉ tăng 6,7%. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, quý I chỉ đạt 12,4% dự toán (cùng kỳ 2016 là 16%) và tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ bằng 32% GDP, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 (32,2%).
Phải có đối sách khắc phục tình trạng tăng trưởng thấp
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù tình hình thế giới có một số chuyển biến tốt như một số nước có tăng trưởng nhưng còn tiềm ẩn khó định, ảnh hưởng lớn đến nước ta. Chẳng hạn như chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ từ khi ông Donald Trump làm Tổng thống, có thể tác động đến xuất khẩu của nước ta; dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp cũng như có thể bị tác động; Sức ép tăng lạm phát, tỷ giá gia tăng...
“Trong bối cảnh đó, chúng ta đặt vấn đề phải tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, thì mới bảo đảm các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm, thu nhập, đời sống của người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng đây phải là quyết tâm chính trị, cần có giải pháp căn cơ, cụ thể hơn. Phải theo dõi tình hình để phản ứng chính sách chặt chẽ, linh hoạt, chủ động hơn.
Về giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ thống nhất cho rằng dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn trong nhiều lĩnh vực. Cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu để kiểm soát lạm phát 4%, tăng trưởng 6,7% và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế như Nghị quyết của Quốc hội. Phải duy trì được tăng trưởng và kiềm chế lạm phát mới bảo đảm được các cân đối vĩ mô, giải quyết việc làm, thu nhập, bảo đảm đời sống người dân.
Chính phủ yêu cầu phải có phản ứng chính sách linh hoạt, nhạy bén, theo dõi sát tình hình để có giải pháp chủ động, kịp thời, cụ thể hơn. Đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực của nền kinh tế. Các bộ ngành, địa phương có những giải pháp cụ thể, căn cơ trong từng ngành hàng, lĩnh vực cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt là làm sao đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường đạt kết quả tốt nhất.