Lo tăng trưởng khó đạt, lạm phát chịu nhiều sức ép
Phải có đối sách tốt hơn để khắc phục tình trạng tăng trưởng thấp | |
Tăng trưởng thấp hơn, song nền tảng tốt hơn | |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,21% |
Tăng trưởng thấp hơn, lạm phát cao hơn
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP quý 1/2017 thấp hơn cùng kỳ năm 2016 (5,1% so với 5,48%) chủ yếu do ngành khai khoáng và xây dựng.
“Sự phục hồi giá hàng hóa thế giới vẫn chưa đủ mức để dẫn đến việc tăng sản lượng của ngành khai khoáng khiến ngành này tăng trưởng âm 10% trong quý 1/2017; Ngành xây dựng cũng tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ (6,1% so với 9,9%) một phần do tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm”, Ủy ban cho biết.
Nhìn từ phía cầu, theo Ủy ban, tổng cầu vẫn đang gặp khó khăn; thể hiện qua cán cân thương mại và chỉ số bán lẻ.
Theo đó, cán cân thương mại (xuất khẩu ròng) 3 tháng đầu năm nhập siêu 1,9 tỷ USD, trong khi cùng kỳ 2016 xuất siêu 776 triệu USD. Nguyên nhân của việc cán cân thương mại suy giảm, trong khi tỷ giá thương mại vẫn tăng 2,4% (so với cùng kỳ năm trước) là do lượng nhập khẩu tăng mạnh. Cụ thể, nhập khẩu đã tăng 19,9% về lượng, trong khi xuất khẩu chỉ tăng 6,7% về lượng.
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng tăng chậm hơn so với cùng kỳ. Theo đó, nếu chưa loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 3 tháng đầu năm tăng xấp xỉ cùng kỳ năm trước (9,2% so với 9,1%) nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng chậm hơn cùng kỳ năm trước (6,2% so với 7,5%). “Phần lớn giá hàng hóa tăng đã ảnh hưởng làm giảm sức mua của người tiêu dùng”, Ủy ban nhận xét.
Trong khi tăng trưởng chậm lại thì lạm phát lại tăng cao hơn. Theo đó, lạm phát bình quân 3 tháng đầu năm 2017 tăng 4,96% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do nhóm giao thông tăng 9,18% so với cùng kỳ; và cũng do chịu tác động một phần của việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình tại một số tỉnh, thành.
“Phân rã giữa xu hướng dài hạn và yếu tố chu kỳ, mùa vụ của lạm phát cho thấy xu hướng dài hạn của lạm phát bắt đầu có xu hướng tăng rõ nét kể từ tháng 9/2016 đến nay. Xu hướng lạm phát dài hạn tại thời điểm tháng 3/2017 cao hơn khoảng 0,6 điểm % so với tháng 3/2016. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới”, Ủy ban cảnh báo.
Lo tăng trưởng khó đạt mục tiêu
Nhìn về tương lai, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tỏ ra khá lạc quan khi nhận định tổng cầu của nền kinh tế sẽ có sự cải thiện tốt hơn trong thời gian tới khi mà vốn đầu tư công vào các dự án trọng điểm cũng như việc giải ngân vốn vào các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tăng mạnh hơn sau chỉ đạo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, mặc dù Mỹ có thể sẽ áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch ngay trong năm 2017, nhưng với triển vọng kinh tế Mỹ và thế giới phục hồi tốt hơn nên IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng thương mại của các nước mới nổi và đang phát triển trong năm 2017 thêm 0,1 điểm phần trăm. Điều đó có nghĩa tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cũng có khả năng cao hơn năm 2016.
Tổng cầu cũng được dự báo sẽ sẽ cải thiện hơn từ quý 2 do sản xuất công nghiệp sẽ tăng mạnh một phần nhờ Samsung sẽ đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chủ lực từ quý 2/2017, đặc biệt là mẫu điện thoại di động S8; một phần cũng bởi giá dầu được dự báo tăng trong năm 2017, tạo điều kiện tăng sản lượng khai thác dầu và thúc đẩy tăng trưởng của ngành khai khoáng. Ngoài ra, giá trị nhập khẩu máy móc thiết bị tăng mạnh trong quý 1 cho thấy năng lực sản xuất sẽ được cải thiện trong quý 2.
Bên cạnh đó, những diễn biến thời tiết thuận lợi sẽ giúp cho mục tiêu tăng trưởng khu vực nông lâm thủy sản 2,7-2,8% trong năm 2017 khả thi hơn, qua đó ước sẽ đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, gấp đôi mức đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng GDP năm 2016.
Tuy nhiên, phân rã các thành phần của tăng trưởng cho thấy thành phần xu thế của tăng trưởng (tiềm năng tăng trưởng) vẫn đang có xu hướng tăng tích cực nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh mà Chính phủ đã thực hiện trong suốt thời gian qua. Thế nhưng, thành phần chu kỳ của tăng trưởng (tác động của cú sốc chính sách từ bên ngoài...) đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
“Mặc dù nền kinh tế nhìn chung vẫn trong xu hướng cải thiện, nhất là đối với khu vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến chế tạo, song những diễn biến mới của tình hình kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017”, Ủy ban lo ngại.
Trong khi đó, lạm phát năm 2017 chịu áp lực trước hết từ giá hàng hóa thế giới. Ủy ban dự báo yếu tố giá hàng hóa thế giới sẽ góp vào lạm phát năm 2017 khoảng 2,5 điểm phần trăm (giá năng lượng dự báo tăng 20%, góp 2,2 điểm phần trăm; giá lương thực dự báo tăng 2,17%, góp 0,3 điểm phần trăm). Như vậy, lạm phát trong năm 2017 sẽ phụ thuộc vào chính sách điều chỉnh giá dịch vụ công, tỷ giá và có thể cả giá điện.
“Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc giá, tỷ giá USD/VNĐ tăng 1% làm lạm phát tăng thêm 0,17 điểm phần trăm; Giá dịch vụ công điều chỉnh bằng nửa năm 2016 sẽ làm lạm phát tăng khoảng 1,8- 2 điểm phần trăm”, cơ quan này cho biết.