Quý I/2019: Doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản vượt số thành lập mới
Cú hích nào để phát triển 5 triệu hộ kinh doanh | |
Khi doanh nghiệp tư nhân chậm lớn | |
Đề xuất doanh nghiệp siêu nhỏ tính thuế theo doanh thu từ 0,4-4% | |
Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15-17% |
Thành lập mới tăng thấp
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 3/2019 cả nước có 12.472 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 128,1 nghìn tỷ đồng; đưa các con số tương ứng của quý I/2019 lên 28.451 doanh nghiệp và 375,5 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 6,2% về số doanh nghiệp nhưng tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Nếu tính cả 722,5 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong quý I/2019 là 1.098 nghìn tỷ đồng. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2019 là 317,6 nghìn người, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các lĩnh vực có lượng doanh nghiệp thành lập mới cao trong quý I năm nay gồm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 10,6 nghìn doanh nghiệp (chiếm 37,4% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), tăng 15,4% so với cùng kỳ; xây dựng có 3,8 nghìn doanh nghiệp (chiếm 13,4%), tăng 5,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 3,6 nghìn doanh nghiệp (chiếm 12,7%), tăng 10,7%...
Một số lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước là: dịch vụ lưu trú và ăn uống có 1,3 nghìn doanh nghiệp (chiếm 4,5%), giảm 7,7%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 290 doanh nghiệp (chiếm 1%), giảm 14,2%; khai khoáng có 128 doanh nghiệp (chiếm 0,4%), giảm 8,6%...
Đáng chú ý là có tới 15.050 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 78,1% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tương đương gần 53% số doanh nghiệp thành lập mới. Việc doanh nghiệp thành lập mới giảm tốc và doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng là xu hướng đáng chú ý trong những tháng gần đây. Trước đó, các năm 2016-2017 tốc độ tăng doanh nghiệp thành lập mới ở mức 15-16%/năm nhưng sang năm 2018 chỉ còn tăng gần 3,5%.
Giải thể, phá sản vẫn lớn
Cũng theo nguồn dữ liệu trên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong quý I năm nay là 14.761 doanh nghiệp, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 5,8 nghìn doanh nghiệp (chiếm 39,1%), tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; xây dựng có 2,2 nghìn doanh nghiệp (chiếm 14,6%), tăng 15,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1,8 nghìn doanh nghiệp (chiếm 12,3%), tăng 16,7%...
Trong quý I năm nay còn có 15.331 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, trong đó có 8.404 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm 2018; 3.378 doanh nghiệp thông báo giải thể, chiếm 22%; và 3.549 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, chiếm 23,2%.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I/2019 là 4.116 doanh nghiệp, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 1,7 nghìn doanh nghiệp (chiếm 42,4%), tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 421 doanh nghiệp (chiếm 10,2%), giảm 2,8%; xây dựng có 401 doanh nghiệp (chiếm 9,7%), tăng 23,4%...
Như vậy, tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản trong quý I/2019 lên tới 34.208 doanh nghiệp, bằng 120% số doanh nghiệp thành lập mới trong cùng thời kỳ.
Chế biến chế tạo đánh giá triển vọng vẫn sáng
Đáng chú ý là trong khi ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm lượng lớn trong các doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, thì số doanh nghiệp ngành này đánh giá xu hướng kinh doanh quý I/2019 vẫn tốt hơn quý trước vẫn cao hơn số cho biết gặp khó khăn (33,7% so với 25,8%).
Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I/2019, có 59,2% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 45% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 31,5% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 31,1% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 28,1% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao và 22,3% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu là yếu tố quan trọng.
Dự kiến quý II/2019, có 54,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 10,6% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 34,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đánh giá lạc quan nhất khi có tới 91,3% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2019 tốt hơn và giữ ổn định; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và ngoài Nhà nước lần lượt là 86,8% và 88,8%.
Về đơn đặt hàng quý II/2019, có 51% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 9,6% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 39,4% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định. Về đơn đặt hàng xuất khẩu quý II/2019, có 43,3% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 10,2% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 46,5% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.