Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam lớn thứ hai ASEAN
Diễn đàn do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức.
Toàn cảnh diễn đàn |
Tăng trưởng 30%/năm
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số Lại Việt Anh cho biết, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam tăng khoảng 30%/năm. Hiện dung lượng thị trường đang đứng thứ 2 tại khu vực ASEAN, chỉ xếp sau Indonesia.
Trung bình, người tiêu dùng Việt Nam chi 210 USD/năm cho hoạt động mua sắm trực tuyến và ngày càng nhanh nhạy nắm bắt tiện ích của thương mại điện tử, tìm kiếm thông tin sản phẩm, so sánh giá cả; đồng thời, nhu cầu cũng trở nên tinh tế, khắt khe hơn.
“Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ phải tìm các phương thức tiếp thị mới để tiếp cận thị trường”, bà Lại Việt Anh nêu rõ.
Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 của VECOM cũng cho thấy, hiện phần lớn hoạt động thương mại điện tử diễn ra ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ngoài ra còn có ở một số địa phương liền kề như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai và Bình Dương.
Các thành phố lớn trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ mặc dù đang đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử nhưng hoạt động kinh doanh trực tuyến tại đây còn yếu và có nguy cơ tụt lại so với 2 thành phố dẫn đầu. Ước tính, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm tới 70% giao dịch thương mại điện tử.
VECOM cũng lưu ý rằng khu vực nông thôn có tiềm năng tiêu thụ lớn, đồng thời cũng là nơi cung cấp sản phẩm đa dạng, phù hợp với bán hàng trực tuyến. Nhưng để thúc đẩy thị trường này thì đòi hỏi phải thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương, đặc biệt phải hỗ trợ khu vực nông thôn bán hàng trực tuyến.
Cơ hội cho ngành hàng tiêu dùng nhanh
Trong phiên tọa đàm chuyên đề “Thực tiễn và xu hướng”, các chuyên gia cũng dự báo tốc độ phát triển của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam đến năm 2022 sẽ tăng trưởng 8% mỗi năm. Đây là tốc độ tăng trưởng ngang bằng với các quốc gia phát triển. Đến năm 2022, doanh thu dự báo từ FMCG toàn cầu sẽ đạt 100 tỷ USD.
Xu hướng gia tăng tài khoản cá nhân ngày càng lớn |
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng của FMCG online sẽ tăng cao gấp 4 lần so với FMCG offline. Với sự phát triển của nền tảng internet, FMCG của nhiều lĩnh vực, ngành hàng đang có xu hướng gia tăng như tin tức, giải trí và tài khoản giải trí cá nhân ngày càng phát triển rầm rộ, đây cũng là nền tảng cơ bản giúp FMCG ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt.
Bà Lê Minh Trang, đại diện Công ty Nielsen Việt Nam cho biết, Việt Nam đang là quốc gia dẫn đầu trong FMCG với tỷ lệ 45-60% chấp nhận mua hàng online.
Theo bà Trang, có 10 yếu tố quyết định mức độ về quy mô của thị trường FMCG, từ đó được chia làm 4 tầng thông tin: nền tảng; những yếu tố vĩ mô tác động; những yếu tố về kinh tế - xã hội; và những yếu tố cạnh tranh.
Trong đó, yếu tố nền tảng phụ thuộc rất lớn vào tốc độ tăng trưởng bình quân tại mỗi quốc gia (GDP) và đang tập trung tại hai nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, để FMCG phát triển còn phụ thuộc vào số lượng tài khoản cá nhân của mỗi quốc gia, tỷ lệ số người sử dụng internet và cuối cùng là số lượng người sử dụng smartphone.
Bà Trang cho rằng, những yếu tố vĩ mô được xác định là sự hỗ trợ của nhà nước đối với việc phát triển FMCG, đồng thời có ảnh hưởng từ số lượng cũng như tốc độ tăng dân số của mỗi quốc gia.
Ngoài ra, để FMCG phát triển còn có sự quyết định từ tính tiện lợi của các gian hàng FMCG, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng về tiềm năng cũng như mức độ phát triển của nền kinh tế.
“Khả năng đáp ứng nhanh, phạm vi giao hàng càng rộng thì khả năng tiếp cận của FMCG càng lớn. Ngoài ra, lợi thế khi cạnh tranh về giá cả, các chương trình khuyến mãi cũng như kết hợp được các chính sách của nhà nước sẽ hỗ trợ thị trường FMCG phát triển”, bà Trang nói.