Thương mại điện tử xuyên biên giới và chiến lược của doanh nghiệp Việt
Đừng để hàng giả, hàng nhái có đất “diễn” | |
Doanh nghiệp tìm đường xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử | |
Ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử |
Theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), thương mại điện tử (TMĐT) là công cụ kinh doanh không thể thiếu đối với DN thế giới nói chung và DN Việt Nam nói riêng trong thời đại hội nhập và công nghệ thông tin toàn cầu hiện nay. TMĐT được tiến hành trên mạng nên không bị ảnh hưởng bởi khoảng cách địa lý, không phân biệt nhà cung cấp nhỏ hay lớn. Chính vì vậy, DN cần tăng cường quảng bá sản phẩm thông qua các kênh TMĐT uy tín hiện nay, đồng thời nên chú trọng xây dựng trang web bán hàng sao cho phù hợp.
“Tham gia vào xuất khẩu trực tuyến, các DN Việt có cơ hội cọ sát hoàn thiện sản phẩm của mình hơn, nhằm thúc đẩy tăng giá trị chất lượng hàng hóa “made in Vietnam”. Từ đó, phát triển thương hiệu Việt, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế”, ông Hòa nhấn mạnh
Vừa qua, Công ty Fado Việt Nam (Fado.vn) và Tập đoàn Alibaba (Alibaba.com) đã ký kết hợp tác nhằm mở ra kênh thương mại mới hỗ trợ các DN Việt Nam chủ động chào hàng ra quốc tế thông qua các gian hàng trên Alibaba.com.
Ông Joey - Giám đốc Alibaba.com thị trường Việt Nam cho biết, thông qua các sàn TMĐT, trong đó có Alibaba.com, DN Việt có thể quảng bá sản phẩm tới 260 triệu DN mua hàng tại 240 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đây là mô hình B2B, kinh doanh giao dịch qua internet giúp kết nối các DN với nhau nhiều hơn. Sau khi đăng ký trên các sàn giao dịch B2B của Alibaba, chỉ bằng một cú click chuột, các DN dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể chào hàng, tìm kiếm bạn hàng, đặt hàng, ký kết hợp đồng, thanh toán qua hệ thống này…
Theo Bộ Công thương, TMĐT xuyên biên giới đã trở thành một kênh quan trọng cho việc xuất khẩu. Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam cũng chỉ ra rằng, 32% số DNNVV Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Việc này giúp DN xuất khẩu tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới, từ đó mở rộng được cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu, giảm chi phí liên quan đến việc xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu.
Cụ thể, trong tổng số 517.900 DN đã đăng ký kinh doanh, có tới 98,1% là DNNVV. Đáng chú ý, 66% trong số này là DN có quy mô siêu nhỏ, khó có thể xuất khẩu trực tiếp. Chính vì vậy, việc Alibaba lần đầu tiên hợp tác với một sàn TMĐT Việt Nam có thể giúp hỗ trợ, đào tạo các kỹ năng, kiến thức về TMĐT xuyên biên giới nhằm nâng cao năng lực chào hàng trực tuyến cho các DN Việt.
Là một trong những nhà bán hàng thành công (Gold supplier) trên TMĐT Alibaba.com, bà Savannah Zheng - Giám đốc điều hành Công ty Guangzhou Awins Training và Guangzhou Yixin International cho rằng, cơ hội kinh doanh từ TMĐT đối với các DN hiện nay là rất rộng mở. Quan trọng là các DN cần quan tâm và đầu tư cho hợp lý. Bên cạnh đó, các DN trong nước cũng cần quan tâm phân tích thói quen mua hàng của các nhà nhập khẩu thế giới. Và các DN nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội thì phải nhanh chóng xây dựng kênh TMĐT như chiến lược tất yếu trong quá trình phát triển.