Rộng đường xuất khẩu thực phẩm chế biến
Ngành chế biến thực phẩm và đồ uống được thời | |
Cơ hội phát triển công nghiệp chế biến |
Ông Phạm Hải Long, Giám đốc CTCP Thực phẩm Agrex Sài Gòn cho biết, 6 tháng đầu năm 2017 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản đã qua chế biến của công ty đạt kim ngạch 20 triệu USD, gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy xu hướng tiêu dùng của nhà nhập khẩu về các mặt hàng đã qua chế biến “made in Vietnam” ngày càng phát triển.
DN sản xuất mặt hàng thực phẩm chế biến xuất khẩu cần mang tính phổ quát lẫn hương vị Việt Nam |
Hiện tại, thị trường xuất khẩu của Agrex Sài Gòn chiếm 70 – 80%, chủ yếu là sang Nhật (40%), EU (35%). Để đáp ứng các yêu cầu vệ sinh ATTP, kiểm dịch khắt khe từ những bạn hàng khó tính, Công ty không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng về chủng loại mẫu mã thông qua việc đầu tư dây chuyền, máy móc, thiết bị công nghệ với tổng vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, một vấn đề luôn được chú trọng là hệ thống quản trị, kiểm soát hệ thống sản xuất, con người tại công ty nhằm đáp ứng các yêu cầu đạt ra.
“Một yếu tố quan trọng đối với những DN sản xuất mặt hàng thực phẩm chế biến xuất khẩu chính là làm sao để sản phẩm vừa mang tính phổ quát, vừa mang hương vị Việt Nam, không nhầm lẫn với sản phẩm đến từ các quốc gia khác” – ông Long chia sẻ.
Cùng chung quan điểm này, ông Hồ Phước Hải, Giám đốc CTCP Kinh tế Duyên Hải (Cofidec) cho rằng, hiện nay tại nhiều quốc gia trên thế giới đang chuộng các mặt hàng đã qua chế biến xử lý bởi vừa đảm bảo các yếu tố an toàn thực phẩm, thẩm mĩ, đậm hương vị riêng vừa đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Ví như các sản phẩm chả giò, há cảo, hoành thánh, xôi, bánh cuốn... chỉ cần 2 - 3 phút xử lý qua nhiệt là có thể dùng được ngay.
Chính vì vậy, nhận thấy nhu cầu về những mặt hàng này ngày một gia tăng, Cofidex đã đầu tư xây dựng mở rộng nhà máy với tổng số vốn 400 tỷ đồng, dây chuyền hiện đại. Công ty đặt mục tiêu trong năm nay sẽ đạt 20 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 40% so với năm 2016. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 30 triệu USD vào năm 2019, thời điểm nhà máy vận hành hết công suất thiết kế.
Bên cạnh đó, Cofidec triển khai một loạt giải pháp đồng bộ vừa củng cố, mở rộng thị trường xuất khẩu truyền thống là Nhật Bản (chiếm 70% kim ngạch) và Hàn Quốc (20%), vừa đầu tư cho hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng mới tại những thị trường giàu tiềm năng như EU, Mỹ, Úc, Trung Đông...
Theo đánh giá của chuyên gia, lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu thực phẩm đã qua chế biến có nhiều lợi thế hơn so với xuất khẩu mặt hàng nông, thủy, sản thô và đang dần trở thành xu hướng. Trước tiên, khi thực phẩm được qua xử lý, chế biến sẽ tránh được các yếu tố rủi ro về vi sinh thông thường mà các sản phẩm nông, thủy, hải sản thô thường vướng phải tại nhiều thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, hàng chế biến bao giờ cũng có giá trị gia tăng lớn hơn nhiều so với xuất thô. Đơn cử đối với mặt hàng cà tím của Việt Nam cùng đem xuất khẩu, nhưng với cà tím tươi, chưa qua chế biến, chỉ bán được dưới 1 USD/kg.
Song ngược lại, cũng loại cà này khi xử lý qua nhiệt, làm ra một số món ăn như cà tím tẩm bột chiên giòn, cà tím hấp..., sẽ có giá lên đến 20 USD/sản phẩm. Như vậy, nếu một số mặt hàng qua chế biến sâu sẽ nhân giá trị gia tăng lên gấp nhiều lần. Đồng thời, đây cũng là tiềm năng cho nhiều loại nông sản dư cung trong thời gian qua.
Mặc dù vậy, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, không phải các DN ngành thực phẩm của Việt Nam không nhìn thấy điều này. Lý do chính là do các DN trong ngành phần lớn là DN quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính còn hạn chế, trong khi để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật làm ra sản phẩm đã qua chế biến xuất khẩu đòi hỏi rất cao và khắt khe về cả yếu tố chất lượng, VSATTP và thẩm mỹ.
Tuy nhiên, theo bà Chi, không vì khó mà DN trong nước bỏ qua bởi đây sẽ là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, đồng thời mang lại nhiều giá trị cho DN và nền kinh tế.