Ngành chế biến thực phẩm và đồ uống được thời
Hỗ trợ chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn | |
Từ trang trại vệ tinh đến thực phẩm sạch | |
Thịt lợn đang đứng trước khủng hoảng thừa nghiêm trọng |
Trong tháng 5/2017, hàng loạt công ty nghiên cứu thị trường quốc tế tại Việt Nam (như Grant Thornton Việt Nam, Kantar Worldpanel…) đã công bố kết quả những cuộc khảo sát riêng biệt về nhiều lĩnh vực đầu tư, thương mại, bán lẻ và thị trường hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam hiện nay. Trong đó, ngành chế biến thực phẩm và đồ uống nổi bật về tiềm năng phát triển cũng như thu hút vốn đầu tư lớn.
Ngành chế biến thực phẩm thuận lợi với nguồn nguyên liệu lớn tại chỗ |
Theo ông David Anjoubault, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, các cuộc khảo sát thị trường hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam thời gian qua cho thấy, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, chủ yếu nhờ vào những ưu thế tích cực như cơ cấu dân số trẻ, đông và thu nhập bình quân đầu người tăng cao theo từng năm. Đưa đến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tăng tỷ lệ thuận, với mức trên 10%/năm từ năm 2015 đến nay. Đây cũng là ngành được nhiều nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước quan tâm nhất từ năm 2016 đến nay. Ghi nhận từ năm 2016 đến nay các DN thuộc lĩnh vực này đều tăng mạnh đầu tư, mở rộng sản xuất, giữ cơ hội.
Công ty Vinasoy xây dựng nhà máy sữa đậu nành, công suất trên 90 triệu lít/năm, Kido thêm nhà máy mới sản xuất mì ăn liền ở cả hai miền Nam-Bắc (Bình Dương và Bắc Ninh), Công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát đầu tư nhà máy tại Vĩnh Long công suất 50 triệu lít/năm….
Sự phát triển của DN ngành chế biến thực phẩm cũng đặt họ vào cuộc cạnh tranh quyết liệt tại thị trường Việt Nam. Nhưng từ đây hàng loạt thương hiệu Việt nổi tiếng cũng ra đời như Masan, Visan, Ba Huân, Minh Phú, Hùng Vương, Vĩnh Hoàn, Nutifood, Habeco, Sabeco, Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị…
Dù vậy, tiềm năng và cơ hội của ngành vẫn được đánh giá rất cao, các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn luôn tìm cơ hội với nhiều hình thức, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập. Và đã có những thương vụ lớn mua thương hiệu ngành chế biến thực phẩm. Cụ thể đến nay Công ty cổ phần Tập đoàn Masan đã mua cổ phần nhiều thương hiệu như VinaCafe Biên Hòa, Anco, Cholimex, Vissan. Tập đoàn Kido cũng tiến hành hàng loạt thương vụ để mở rộng thị phần thực phẩm chế biến Việt Nam. Cả những DN kinh doanh ngành khác, không dính dáng đến cũng bắt chi mạnh tay vào ngành chế biến thực phẩm như VinGroup, Hòa Phát. Hoàng Anh Gia Lai…
Trong kết quả bảng xếp hạng các thương hiệu hàng tiêu dùng được mua nhiều nhất tại Việt Nam vừa được Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam công bố (vào tháng 5/2017 này) cho thấy, các thương hiệu thực phẩm chế biến của Việt Nam như Vinamilk, Nam Ngư tiếp tục vượt trội về mức độ ưa chuộng của người tiêu dùng. Và mức cạnh tranh ở ngành hàng thực phẩm được kỳ vọng sẽ “nóng” hơn khi các nhà đầu tư nước ngoài đang nỗ lực giành thêm thị phần, hiện chiếm khoảng 55% tổng giá trị ngành hàng tại thành thị (4 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và Cần Thơ) và chiếm 50% thị phần tại thị trường nông thôn.
Ngoài ra, do nhu cầu thị trường ngày càng cao về chất lượng sản phẩm và chủng loại, DN ngành chế biến thực phẩm tại Việt Nam cũng phát triển theo hướng đa dạng trong sản xuất, chế biến. Nên trước đây Vissan có thế mạnh thịt gia súc tươi sống, đồ hộp, thì nay đẩy mạnh sản xuất thêm thực phẩm chế biến ăn liền (thịt nguội, giò, chả…), Công ty Ba Huân không đơn thuần kinh doanh trứng gia cầm mà thêm mảng thịt gà vịt tươi sống, thực phẩm chế biến ăn liền từ trứng (trứng tiềm, trứng kho đóng gói), hay thịt gà hộp các loại, Công ty sữa Vinamilk ngoài các loại sữa còn thêm phô mai, váng sữa, bánh, kẹo…
Đánh giá sự phát triển vượt bậc của ngành chế biến thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam hiện nay, ông Võ Việt Mỹ, Trưởng Phòng thu mua, Công ty TNHH Quốc tế Lê Kiên cho rằng, ưu thế lớn để ngành chế biến thực phẩm và đồ uống Việt Nam được đánh giá cao còn ở khía cạnh Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp lớn. Nguyên liệu tại chỗ rất dồi dào từ nông, thủy sản, mía đường, trái cây, rau… Giá thu mua nguyên liệu rẻ, chi phí vận chuyển và nhân công không quá cao (so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc).
Hơn nữa, Việt Nam còn là điểm đến du lịch mới của thế giới, với những nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng. Đây chính là lợi thế để DN ngành chế biến thực phẩm và đồ uống tận dụng cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh tại thị trường nội và hướng đến xuất khẩu.