Rủi ro đôla mạnh khi kinh tế Mỹ suy thoái
Kinh tế Mỹ tăng tốc, nhưng động lực yếu dần | |
Đơn hàng giảm, gia tăng quan ngại kinh tế Mỹ đi xuống | |
Lãi suất thẻ tín dụng cao đè nặng lên kinh tế Mỹ |
Đôla mạnh lên khi kinh tế suy giảm
Đồng USD đã tăng giá so với hầu hết các đồng tiền G10 trong năm nay và đang có hiệu suất tốt nhất trong lịch sử, dựa trên một thước đo dài hạn về hiệu suất của đồng bạc xanh kể từ cuối thập niên 60. Chỉ số đôla của Bloomberg đã tăng 33% so với mức đáy mà chỉ số này thiết lập trước khi Mỹ đánh mất xếp hạng AAA từ S&P vào năm 2011.
Andy Sierocinski - một nhà phân tích ngoại hối của Klarity FX (công ty chuyên tư vấn cho các tập đoàn về rủi ro tiền tệ) cho biết, sức mạnh của đồng đôla chủ yếu là do sự yếu kém ở những nơi khác trên thế giới và nó “mang đến một cảm giác khó chịu”. “Nếu Fed cắt giảm lãi suất, đồng đôla sẽ suy yếu. Thế nhưng các vấn đề trên toàn thế giới sẽ bù đắp cho điều đó. Các yếu tố tạo nên sức mạnh của đồng đôla không mất đi”.
Việc đồng đôla mạnh lên sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ |
Đối với Christopher J. Wolfe - Giám đốc đầu tư của First Republic Private Wealth Management thì “sự khác biệt về lãi suất với các quốc gia khác là yếu tố then chốt giải thích vì sao đồng đôla vẫn mạnh”. Vị chuyên gia này nói thêm rằng: “Đồng đôla là một lựa chọn hiển nhiên và dễ dàng như một tài sản an toàn”.
Trong khi theo Ben Randol – Chiến lược gia ngoại hối cao cấp của Bank of America, hiện không có yếu tố nào có thể khiến cho đồng đôla bắt đầu xu hướng suy yếu, như lãi suất tăng ở nước ngoài hay chênh lệch lợi suất cũng như tăng trưởng giữa Mỹ và các quốc gia khác được thu hẹp.
Vấn đề là sự mạnh lên của đồng đôla lại diễn ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái. Một chỉ số của Fed New York cho thấy hiện có hơn 30% cơ hội kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới.
Theo Randol chỉ cần hai tháng nữa là có thể kết luận mô hình nào trong hai mô hình lịch sử sẽ xảy ra. Thứ nhất là đồng đôla suy yếu, như đã làm xảy ra trước các cuộc suy thoái 1990-1991 và 2007-2009. Hai là đồng bạc xanh vẫn tiếp tục mạnh lên như những gì đã diễn ra thời gian trước, trong và sau cuộc suy thoái năm 2001.
Tuy nhiên với diễn biến hiện nay, khả năng cao là kịch bản thứ hai sẽ xảy ra. Bởi vì nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đánh bại các nền kinh tế phát triển khác trên cả hai khía cạnh - tăng trưởng kinh tế lớn hơn và lợi suất trái phiếu cao hơn. Vì thế dòng tiền quốc tế vẫn đang chảy vào đồng đôla ngay cả khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang và Fed thực hiện cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong 1 thập kỷ vào ngày 31/7 vừa qua.
Điềm xấu không chỉ với kinh tế Mỹ
Việc đồng đôla mạnh lên sẽ gây tổn hại cho hoạt động xuất khẩu và đầu tư – những thành phần quan trọng trong tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ. Không chỉ vậy, sự mạnh lên của đồng bạc xanh còn có xu hướng làm xói mòn lợi nhuận của các công ty đa quốc gia của Mỹ; đồng thời làm tăng chi phí trả nợ của các tập đoàn nước ngoài với hàng nghìn tỷ đồng nợ bằng đô la.
Thậm chí theo các nhà phân tích, những tác động bất lợi gây ra từ sức mạnh của đồng bạc xanh đối với các nền kinh tế khác có thể khuyến khích nhưng quốc gia đó tham gia cùng Mỹ để làm suy yếu đồng bạc xanh. “Mặc dù đến nay mối quan tâm của thị trường về đồng đôla vẫn tập trung vào triển vọng của một cuộc chiến tiền tệ, thế nhưng câu chuyện cuối cùng có thể tập trung vào một sự phối hợp can thiệp tương tự như năm 2000, khi các ngân hàng trung ương hợp lực để hỗ trợ đồng euro”, Randol nói.
“Để có hiệu quả, sự can thiệp phải được điều phối bởi các ngân hàng trung ương và các bộ tài chính trên toàn cầu”, Randol nói. “Một mình Mỹ không thể hy vọng làm đồng đôla suy yếu”.
“Nếu bạn bắt đầu thấy nền kinh tế Mỹ thực sự bắt đầu giảm tốc và đồng đôla tiếp tục mạnh lên, điều đó sẽ gợi ý sự mất trật tự với các yếu tố cơ bản không bền vững và nó sẽ thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách”, Randol nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Nếu như người Mỹ có thể khiến các đối tác quốc tế lắng nghe mối quan ngại của mình thì có khả năng họ sẽ nhận được hỗ trợ để phối hợp can thiệp nhằm triệt tiêu sức mạnh của đồng đôla”.