Nghĩ chậm ở Sa Pa
Chỉ cách đây chục năm thôi, thị trấn du lịch Sa Pa (Lào Cai) còn khá hoang sơ, đúng như một bông hoa núi rừng với vẻ đẹp còn khá mặn mà. Nhưng giờ Sa Pa như một đại công trường xây dựng, cứ mấy ngày lại thấy khởi công xây nhà hàng, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng. Dường như đây không còn là nơi lý tưởng để có thể dạo bộ khi bụi mịt mù và xe cộ chở vật liệu làm phiền. Vẻ đẹp trữ tình và văn hóa của thị trấn xứ núi bị nhạt nhòa.
Sa Pa vẽ mới về cái vỏ, nhưng nét đặc sắc bị phai nhạt |
Phát triển nóng
Đến với Sa Pa trong dịp Lễ hội hoa đỗ quyên 2017. Điều tôi nhận thấy là sự đô thị hóa đang biến nơi đây thành một đại công trường xây dựng khiến bầu không khí bức bối. Những con đường bị băm nát bởi xe tải chạy rầm rầm ngày đêm. Tiếng khèn Mông réo rắt nhường chỗ cho tiếng máy khoan bê tông, ép cọc…
Những con phố đẹp, trữ tình vốn là nơi để khách du lịch nhàn tản thả bộ thưởng thức bầu không khí trầm lắng thì nay, đã nhường hết cho sự nhốn nháo đến ngộp thở. Nhiều du khách thốt lên: “Nhà nghỉ, khách sạn, xe tải, máy móc đang nuốt dần sự tĩnh lặng của các con phố nhỏ!”.
Thực tế dọc các phố, điều dễ nhập thấy là sự mọc lên quá khủng khiếp các khách sạn, nhà nghỉ được xây dựng ở nơi có địa thế đẹp. Tôi đi tìm và đã không còn cảnh lãng mạn với cây cối, vách đá xưa nữa. Khách du lịch bây giờ lội bộ dọc các chân dốc khi hai bên là vật liệt xây dựng và lán trại của công nhân.
Ngay cả chợ Tình, vốn được tổ chức vào tối thứ bảy, thì khu chợ ấy cũng không còn. Người dân tộc phải vào bìa rừng để họp chợ giao duyên. Người dân tộc cũng ngỡ ngàng tiếc nuối, nhìn cáp treo xây lên lủng lẳng phá đi nét đẹp hoang sơ của Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn. Hàng hóa được bày bán chủ yếu là hàng nhập ngoại, nhiều loại đặc sản của Lào Cai bị mai một, chưa kể đến nạn chặt chém.
Đã có vị khách yêu Sa Pa và năm nào cũng trở về để ngắm hoa trên núi Hàm Rồng, tâm sự: “Không còn là dự báo, “cái hồn của Sa Pa” thật sự đã bay theo sương khói. Tôi đến đây và tôi không còn tìm được cảnh tĩnh lặng, với những bước đi chầm chậm nữa. Thành quá vãng mất rồi”.
Tôi từng tìm hiểu và được biết, tại Sa Pa từng có sự hiện diện của khoảng 240 căn biệt thự cổ nằm dưới những tán cây lãng mạn. Từ năm 1990 Sa Pa phát triển du lịch. Từ năm 2010 phát triển mạnh và mấy năm nay phát triển nhanh khủng khiếp. “Nàng công chúa” đã không được cưng chiều như trước, mà thay vào đó là sự khai thác triệt để. Nhà cũ bị đập đi. Các đại gia địa ốc đầu tư mua đất san đồi xây nhà nghỉ khách sạn. Những quả đồi xanh bị băm nát, được xây dựng những khối nhà tuy đẹp nhưng lại kém duyên nơi núi rừng.
Đó là những thứ dễ nhìn thấy. Còn những thứ ở xa hơn, đe dọa đến địa tầng, khí hậu và vẻ đẹp văn hóa của huyện Sa Pa là các nhà máy thủy điện. Đã có thời kỳ cơ quan chức năng cấp phép cho hơn 100 dự án thủy điện nhỏ và vừa, rồi bị “dẹp” bớt bởi dư luận “kêu” quá nhiều. Tất nhiên, nhiều dự án đã được thực hiện và thời điểm ấy, những cánh rừng đã rùng mình sợ hãi bởi máy móc ngoạm vào núi, đốn ngã nhiều cổ thụ cả trăm năm.
“Ăn” quá nhiều vào di sản tự nhiên
Đô thị hóa là điều không thể tránh khỏi với các thiên đường du lịch. Với Sa Pa cũng vậy. Nhưng nơi đây bị khai thác triệt để, tài nguyên thiên nhiên là địa thế và khí hậu đang bị ồ ạt tác động quá mức. Người dân nhiều nơi đổ về đây làm ăn buôn bán, kinh doanh. Điều đó đồng nghĩa với việc, những nét văn hóa đặc sắc của người dân bản địa sẽ không còn đất sống.
Họ phải co cụm trong các bản làng, rồi các tour du lịch sinh thái, homestay được tổ chức, “kéo” khách về bản làng. Nét văn hóa bị đem ra thương mại quá mức, trẻ em đeo bám du khách xin tiền, bán hàng. Đó không phải là cái được, mà là mất. Một cái giá quá đắt cho sự phát triển nóng.
Cứ hỏi các cơ quan địa phương, người ta sẽ nói đang làm đúng và cẩn trọng. Người ta sẽ nói rằng những đống phế thải xây dựng ngổn ngang, với hàng chục công trường đang đồng loạt hoạt động kia là điều tất phải đến, dù sớm hay muộn. Muốn có kinh tế thì phải đầu tư công trình. Các doanh nghiệp đến đầu tư cũng sẽ vui vẻ ký vào các bản cam kết, rằng bảo đảm phát triển gắn với bảo tồn, tuân thủ quy hoạch.
Chao ôi, thị trấn nhỏ bé được gọi với cái tên mỹ miều là “thay da đổi thịt”. Nhưng người yêu vẻ đẹp Sa Pa vốn có, nếu nhìn vào bản quy hoạch từ cách đây hơn 100 năm, sẽ thấy mật độ xây dựng chỉ chiếm chưa đầy 30% so với hiện tại - đây là con số người ta đã tính toán đến ngày nay, chứ không phải trước đây.
Vậy là hôm nay con người đang “ăn” vào tự nhiên quá nhiều. Chẳng mấy chốc thị trấn phố núi sẽ kiệt sức, không đủ nuôi nấng số lượng con người và công trình khổng lồ. Màu xanh sẽ bị tước mất. Tiếp đó, những bản làng văn hóa đang được đầu tư phát triển du lịch, ai dám chắc một ngày gần đây, lại chẳng được cấp phép để xây nhà nghỉ khách sạn sừng sững, khi đất ở thị trấn Sa Pa không còn.
Du khách Trần Hoàng Nghĩa, từ TP Hồ Chí Minh, phát biểu: “Cách đây hơn chục năm, tôi đến Sa Pa còn nguyên vẻ sương khói. Riêng cái dáng đi của người dân tộc cũng khác. Khách tản bộ thì nhẹ nhàng, chẳng sợ bị xe cán, xe tông. Nay người thì nhộn nhạo, không còn thấy vẻ sương khói u huyền như cổ tích. Thị trấn đang ngày một bê tông hóa, nham nhở”.
Bây giờ, để tìm một nét văn hóa tiêu biểu và đặc trưng thì gần như chẳng còn gì nguyên vẹn. Các điểm đến cũng hạn chế. Tức là khách đến được vài ngày rồi chẳng còn chỗ để tham quan nữa. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có thung lũng Mường Hoa, bản Cát Cát, xã Tả Van… và giờ là du lịch cáp treo Fansipan.
Nhưng ngay ở những bản làng đó, việc đầu tư cho văn hóa, cho sự phát triển bền vững, giữ hồn rừng và hồn văn hóa thì lại không được làm bài bản. Khách đến rồi không mấy ấn tượng. Cáp treo phát triển, cũng đúng thôi, nó sẽ đáp ứng cho một số người không đủ sức chinh phục bằng đường bộ. Nhưng bây giờ là lúc các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, để xem chúng ta đã được gì và mất gì.
Chắc chắn, dù thu được lợi nhuận, thì chúng ta đã mất quá nhiều. Điều đó rất cần nghiêm túc nhìn nhận, để có biện pháp kéo Sa Pa phát triển chậm lại, kẻo biến thành con ngựa bất kham, không thể kìm giữ.