Sau sự tĩnh lặng của giá
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 "phẳng" | |
Phải kiểm soát lạm phát dưới 4% |
Ảnh minh họa |
Nhìn vẻ bề ngoài, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang cho thấy thị trường trong nước tương đối ổn định: CPI tháng 4/2017 không thay đổi so với tháng 3; bình quân 4 tháng so với cùng kỳ chỉ còn tăng 4,8%, từ mức 4,96% của 3 tháng năm 2017. Rất nhiều phán đoán được chốt ở các tỷ lệ trên, đa phần cho rằng mục tiêu 4% của cả năm đang dần về trong tầm tay. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào bên trong con số còn đọng lại nhiều trăn trở.
Giá cả suốt một thời gian dài tương đối ổn định. Nhưng đặt trong bối cảnh lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm của nhiều DN bị cắt giảm liên tục thời gian qua khiến cho sản xuất thiếu động lực đủ mạnh mẽ để tăng trưởng.
Một tham khảo là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng đầu năm chỉ tăng 5,1%, thấp hơn nhiều mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm trước. Phản ánh vào hoạt động của DN, chỉ trong 4 tháng đầu năm, số DN hoàn tất thủ tục giải thể lên tới4.057DN, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; số DN tạm ngừng hoạt động là 27.400 DN, tăng tương ứng 9%.
Tình trạng DN rời bỏ thị trường trong mấy năm gần đây có xu hướng ngày càng lớn. Cho dù các con số công bố về tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức tích cực, nhưng thực tế nhiều lao động đã bị bật ra khỏi khu vực việc làm chính thức.
Một báo cáo về vấn đề này của Oxfam - tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và bình đẳng xã hội - cho biết riêng năm 2015, có tới 36,6% người thất nghiệp chuyển vào khu vực phi chính thức. Tổ chức này cũng cho rằng, việc làm phi chính thức không được pháp luật bảo vệ có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Chính vì thế, khó khăn của sản xuất, của nền kinh tế cũng tác động đến thu nhập của một bộ phận dân chúng trong xã hội. Kết quả là tiêu dùng không được kích thích tăng tương ứng trong điều kiện giá cả không nhiều biến động. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm nay nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 6,7%, thấp hơn mức tăng 7,8% củacùng kỳ năm 2016.Và đó là một mức tăng trưởng thấp đáng quan ngại.
Đáng nói hơn là ở một chi tiết khác, tổng mức bán lẻ tăng thấp trong khi nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng rất cao, 3 tháng đầu năm tăng tới 19%. Điều này làm dấy lên quan ngại, bên cạnh việc sản phẩm trong nước để mất thị trường cho hàng hóa nước ngoài thì còn có chuyện chênh lệch thu nhập trong các nhóm dân cư ngày càng doãng ra.
Bản báo cáo Nghiên cứu chính sách xuất bản tháng 1/2017 của Oxfam so sánh như sau: Người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của người Việt Nam nghèo nhất trong 10 năm, và tài sản của người giàu nhất này lớn tới mức có thể tiêu một triệu USD mỗi ngày trong sáu năm mới hết. Hay, trong một giờ, người giàu nhất Việt Nam có mức thu nhập cao hơn gần 5.000 lần số tiền mà nhóm 10% nghèo nhất Việt Nam chi hàng ngày cho các nhu cầu thiết yếu…
Đó không chỉ là thực trạng trong xã hội hiện nay, mà vấn đề là có thể kéo theo nhiều hệ lụy cho phát triển trong dài hạn của nền kinh tế. Bởi cũng theo Oxfam, bất bình đẳng về kinh tế đi cùng với bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận các dịch vụ công. Điều này càng rõ nét khi nhìn sâu vào các nhóm sản phẩm, dịch vụ tính CPI. Thống kê trên thực tế cho thấy, so với kỳ gốc năm 2014, CPI dịch vụ y tế tháng 4/2017 tăng tới 124,1%; dịch vụ giáo dục tăng ở mức thấp hơn, 22,06%, cách biệt rất lớn với mức tăng chỉ 5,86% của CPI chung.
Chính vì vậy, cho nên dù lạm phát tương đối ổn định trong một thời gian dài, các chỉ số thành phần cho thấy người nghèo vẫn “chịu thiệt”. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, với khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội khó khăn hơn, người nghèo có thể bị “lề hóa”, trong khi lợi ích tập trung vào nhóm giàu.
“Bất bình đẳng thu nhập cao có thể khiến trẻ em các gia đình có thu nhập thấp không có cơ hội phát huy hết tiềm năng của chúng. Tình trạng này không chỉ giảm khả năng dịch chuyển xã hội mà còn giảm tốc độ phát triển của toàn bộ nền kinh tế”, báo cáo của Oxfam cảnh báo.