Phải kiểm soát lạm phát dưới 4%
Lạm phát (CPI) bình quân của 3 tháng đầu năm tăng 4,96% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết trong thời gian này, tốc độ tăng của lạm phát giảm dần qua các tháng. Cụ thể CPI tháng 1 tăng 0,46% so với tháng trước, tháng 2 tăng 0,23% đến tháng 3 hỉ còn tăng 0,21%.
Trong tháng 3/2017, có 13 địa phương điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, tác động khoảng 0,38% vào mức tăng CPI của tháng này. Như vậy, còn 14 địa phương nữa sẽ phải điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh trong năm nay theo lộ trình. Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ gửi công văn tới các địa phương đăng ký thời điểm tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh với người không có thẻ BHYT.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo cuộc họp |
Đối với giá dịch vụ giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng cho biết Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã ban hành mức tăng học phí 5% của năm học 2017- 2018 là mức tăng hợp lý. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được tăng thêm các phí khác. Đối với khung học phí của giai đoạn 2016- 2020 được xác định mức tăng 10% theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP là tương đối thấp so với lộ trình tính giá dịch vụ công theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. "Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở tiết kiệm chí hoạt động, hạn chế tối đa mức tăng học phí theo khung. Đối với các cơ sở giáo dục đã tự chủ thì Bộ cũng kiểm tra phương án tài chính để giữ mức thấp nhất khả năng tăng học phí", Thứ trưởng Hùng cho biết.
Trong điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang cố gắng giữ ổn định lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại. Ngay cả thông điệp điều hành của NHNN cũng nhất quán và ổn định để không tạo tâm lý kỳ vọng tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại. Mặc dù tín dụng trong quý 1 tăng nhanh 4,4% nhưng tập trung vào sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp nông thôn. NHNN cũng bày tỏ thái độ rất chặt chẽ trong cấp tín dụng cho bất động sản.
“NHNN sẽ nỗ lực để lạm phát cơ bản trong năm nay ở dưới mức 2%, có thể góp phần tạo dư địa cho việc điều chỉnh các mặt hàng khác”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá nhấn mạnh phải kiểm soát lạm phát dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đặt ra để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho tăng trưởng, đồng thời đạt mục tiêu chuyển một phần các giá dịch vụ công sang cơ chế thị trường. “Mặc dù việc điều hành có nhiều khó khăn nhưng Chính phủ, các bộ, ngành có đủ phương tiện, điều kiện để điều hành và phải quyết tâm thực hiện trong khung này”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Để thực hiện hiệu quả công tác điều hành giá của năm 2017, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung, cầu nhằm ổn định thị trường, tăng cường quản lý giá trên địa bàn. “Nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương là phối hợp chặt chẽ để giảm nhẹ các rủi ro của áp lực tăng giá, đồng thời khai thác triệt để các yếu tố giảm giá hàng hóa dịch vụ theo yếu tố thị trường để đảm bảo lạm phát cả năm dưới 4%”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp hiệu quả với chính sách tài khóa. Thực hiện ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất kể cả huy động và cho vay, không được tăng lãi suất. “Giao NHNN đảm bảo lạm phát cơ bản dưới 1,8% chứ không phải dưới 2% để tạo dư địa điều chỉnh giá các dịch vụ công trong năm nay”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.
Đối với việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính tính toán tác động việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu vào thời điểm phù hợp nhất là trong giai đoạn điều chỉnh giá các mặt hàng khác. Đồng thời nghiên cứu việc sửa đổi Nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Về giá điện, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương sớm hoàn thiện kịch bản điều hành giá điện, trong đó có báo cáo chi tiết về sản lượng, cơ cấu điện, các phương án cập nhật chi phí đầu vào theo tinh thần có giá điện hợp lý, khuyến khích đầu tư, đảm bảo cân đối điện năng, thu hút đầu tư năng lượng tái tạo, phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế.
Về giá lương thực, thực phẩm, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phấn đấu tăng trưởng của ngành đạt 2,8% để chủ động nguồn cung. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường nông sản quan trọng như lúa gạo, thịt lợn, đường, muối ăn. Bộ Xây dựng xây dựng kịch bản về giá nhà ở xã hội, vật liệu xây dựng, báo cáo Thường trực ban chỉ đạo nếu có diễn biến bất thường.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ quản lý các mặt hàng, dịch vụ chuyển từ các tính phí sang giá nhanh chóng ban hành thông tư hướng dẫn địa phương thực hiện.